Tại buổi họp báo, ông Trần Đức Thắng thông tin cho biết, việc triển khai Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thời gian quan đã có tác động tích cực trên các mặt sau:
Các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát, sắp xếp xe ô tô công hiện có theo định mức quy định. Qua rà soát đã xác định được số xe ô tô được phép sử dụng của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; số xe thừa, thiếu so với tiêu chuẩn, định mức; chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý, sử dụng xe ô tô; đồng thời, đã ban hành định mức xe ô tô chuyên dùng để có cơ sở trang bị, quản lý, sử dụng;
Giảm số lượng xe phục vụ công tác chung; Xử lý số xe dôi dư thông qua các hình thức điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước;
Một số Bộ ngành, địa phương đã và đang nghiên cứu áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công (như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, thành phố Hà Nội…). Kết quả bước đầu cho thấy cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách, được dư luận, nhân dân đồng tình.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên là căn bản, việc triển khai Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg cũng phát sinh một số vướng mắc như:
Tuy số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm, nhưng xe chuyên dùng có xu hướng tăng. Sau khi sắp xếp lại xe ô tô phục vụ công tác chung, một số Bộ, ngành, địa phương chuyển xe phục vụ công tác chung sang xe chuyên dùng. Nguyên nhân chủ yếu do việc quy định phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng cho các Bộ, ngành, địa phương dẫn đến việc ban hành tiêu chuẩn, định mức và bố trí xe chuyên dùng chưa thống nhất;
Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị còn có quy định chưa phù hợp, như: Định mức xe ô tô trang bị cho Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo định mức chung áp dụng cho các sở, ngành (02 xe/1 đơn vị) chưa đáp ứng được yêu cầu công tác; nhiều đơn vị thuộc cấp Cục hoặc trực thuộc cấp Sở (như: Chi cục, Trung tâm, Trường…) chỉ có 01 chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô (hệ số phụ cấp 0,7 đến dưới 1,25) nhưng cũng được trang bị 01 xe ô tô, nên hiệu quả sử dụng thấp; quy định về tiêu chuẩn, định mức giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên khác nhau cũng cần phải nghiên cứu cho phù hợp; Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên còn ít chức danh đăng ký áp dụng, một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính thăm dò, thí điểm; Việc kế thừa quy định trước Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg trong việc quy định một đơn giá (đơn giá bình quân của các hãng taxi trên địa bàn) để thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe cho các chức danh có đủ tiêu chuẩn, chưa thực sự tạo động lực khuyến khích việc thực hiện cơ chế khoán xe công.
Cục trưởng Cục quản lý công sản Trần Đức Thắng giải đáp câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý xe công, một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg được ông Thắng cho biết: Tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của các Cục, Vụ tại cơ quan Trung ương có 02 phương án:
Phương án 01, giảm định mức sử dụng xe của Cục, Vụ thuộc Bộ (từ 02 xe/01 Cục và 01 xe /01 Vụ) xuống còn 01 xe/01 đơn vị (đối với đơn vị có biên chế từ 50 người trở lên) và 02 đơn vị/01xe (đối với đơn vị có biên chế dưới 50 người). Riêng Văn phòng Bộ, bổ sung thêm 02 xe để phục vụ công tác chung cho các chức danh Thứ trưởng và tương đương khi đi công tác;
Phương án 2, giảm định mức sử dụng xe của Cục, Vụ thuộc Bộ (từ 02 xe/01 Cục và 01 xe /01 Vụ) xuống còn 02 đơn vị/01xe (đối với đơn vị có biên chế từ 50 người trở lên) và 03 đơn vị/01xe (đối với đơn vị có biên chế dưới 50 người). Riêng Văn phòng Bộ, bổ sung thêm 02 xe để phục vụ công tác chung cho các chức danh Thứ trưởng và tương đương khi đi công tác.
Giá mua xe cơ bản kế thừa quy định hiện hành. Riêng giá mua xe 2 cầu, dự kiến đề xuất tăng từ 1.040 triệu đồng lên 1.100 triệu đồng (tăng 60 triệu đồng/xe) để phù hợp với giá thị trường của chủng loại xe 2 cầu, đáp ứng được nhu cầu đi lại tại các địa bàn miền núi.
Về phương án xử lý xe ô tô dôi dư: Bán chỉ định cho chức danh đang được trang bị xe (nếu có đề xuất); Điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức; Bán đấu giá nộp tiền vào NSNN.
Nếu việc sắp xếp lại theo Phương án 1 thì tổng số xe phục vụ công tác chung giảm khoảng 42% so với số xe tại thời điểm Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực; theo Phương án 2 thì tổng số xe phục vụ công tác chung giảm khoảng 62% so với số xe tại thời điểm Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực.
Tại buổi họp báo, ông Trần Đức Thắng cũng đã giải đáp cụ thể các câu hỏi của phóng viên đưa ra tại buổi họp với các nội dung như: Số lượng xe công hiện có; hiệu quả kinh tế của việc khoán xe Bộ Tài chính như thế nào; chi phí tiết kiệm được khi thực hiện khoán xe công; chế tài đối với các cơ quan không thực hiện khoán xe công; xử lý lao động dôi dư; việc công khai thông tin đấu giá xe ô tô công như thế nào...
Nguồn: http://www.mof.gov.vn.