banner
Thứ 3, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Nhìn lại năm 2014: Ðiều hành tài chính - ngân sách đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, tăng
24-12-2014

 Thiết thực hỗ trợ DN

Thành công đầu tiên là toàn ngành đã tập trung triển khai các giải pháp đổi mới thể chế tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh (SX-KD), hỗ trợ phát triển DN. Khác với các năm trước, năm 2014, ngành tài chính xác định rõ là để thiết thực hỗ trợ DN, ngành buộc phải đi từ việc đổi mới thể chế và siết chặt kỷ luật công vụ, tài chính. Từ đó, ngành đã chủ động và thành công trong việc tham mưu, trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua các thể chế tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy SX-KD, tạo nguồn thu cho NSNN. Các giải pháp, chính sách tài chính gắn với hiện đại hóa ngành tài chính (thuế, hải quan, bảo hiểm, chứng khoán) đã hỗ trợ kịp thời DN, ổn định đời sống của người lao động, qua đó nhận được sự đồng thuận và phản ứng tích cực từ cộng đồng DN, tạo lòng tin vào môi trường SX-KD. Ðặc biệt, năm 2014, ngành tài chính có sự đột phá mạnh mẽ trong công tác đơn giản hóa, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục những hạn chế theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014, Bộ Tài chính đã thành lập Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao từ các bộ, ngành. Việc ra đời Văn phòng này đã giúp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân (kể cả cán bộ trong ngành) sai phạm trong quản lý tài chính - NSNN, quản lý giá cả; từng bước đẩy lùi vấn nạn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây tổn hại nền kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, làm thất thu NSNN và ảnh hưởng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Trong công tác điều hành thu - chi NSNN, năm 2014, Bộ Tài chính quyết liệt chỉ đạo phấn đấu tăng thu, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động làm giảm thu NSNN trong ngắn hạn, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương, động viên và tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng DN và nhân dân, toàn thể cán bộ, công chức trong hệ thống tài chính, thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, và đã thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời NSNN.
Với công tác quản lý chi NSNN, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; nâng cao hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, đáp ứng yêu cầu bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN, bổ sung nguồn bảo đảm an sinh xã hội, tăng khả năng chi trả và xử lý nợ NSNN; giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định.
Bên cạnh các thành tựu trên, năm 2014, ngành tài chính tập trung tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm khả năng trả nợ. Bên cạnh việc bố trí dự toán chi trả nợ đúng hạn theo cam kết, Bộ Tài chính đã tổ chức phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm với lãi suất 4,8%/năm, qua đó tiết kiệm được chi phí, giãn áp lực bố trí nguồn trả nợ cho các năm 2016, 2020; đồng thời tạo điều kiện cho các DN tiếp cận thị trường vốn quốc tế thuận lợi và chi phí thấp hơn. Ngoài khả năng bảo đảm chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi, ngành chủ động từng bước cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, không tăng thêm dư nợ công, phù hợp với thông lệ quốc tế... Theo đó, dự kiến dư nợ công đến hết năm 2014 là 60,3% GDP, nợ Chính phủ là 46,9%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 39,9%GDP, bảo đảm các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.
Ðổi mới vượt bậc trong quản lý giá
Bên cạnh các lĩnh vực công tác nổi bật nêu trên, năm 2014 là năm ngành tài chính có sự đổi mới vượt bậc trong công tác tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát. Với vai trò của cơ quan có nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá, ngành tài chính đã cương quyết thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng thiết yếu như: điện, than, xăng dầu, dịch vụ công, góp phần bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ðặc biệt, đối với việc quản lý giá sữa, giá xăng dầu, giá cước vận tải... thì tính công khai, minh bạch được thực hiện một cách kiên trì, nghiêm túc, vì quyền lợi của số đông người tiêu dùng trong xã hội. Ngành đã hoàn thành dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó nội dung trọng tâm là chuyển cơ chế phí dịch vụ công sang cơ chế giá dịch vụ công và chuyển mạnh cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng dịch vụ công của Nhà nước, đồng thời xác định mốc thời gian điều chỉnh giá, phí dịch vụ công theo hướng từng bước tính đủ các chi phí. Với những giải pháp đã triển khai, công tác quản lý, điều hành giá bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Không chỉ vậy, ngành tài chính còn có bước tiến lớn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh việc bảo đảm sử dụng nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư nhà nước một cách có hiệu quả trong tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Tài chính tiếp tục tái cấu trúc thị trường tài chính với các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng, tác động tích cực đến việc huy động vốn cho đầu tư phát triển và tiến trình cổ phần hóa DNNN. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SX-KD; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN; tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Nhìn lại một năm điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN, có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành tài chính đã phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, như công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa theo sát tình hình thực tiễn; cơ cấu chi NSNN bộc lộ những hạn chế; dư nợ công tiếp tục tăng nhanh; cơ chế huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển, đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển sang cơ chế giá dịch vụ công, tái cơ cấu DNNN còn chậm...
Tiếp tục đổi mới thể chế và thực hiện tốt công tác quản lý thu NSNN
Bước vào năm 2015, trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2014, ngành tài chính xác định rõ đây là năm toàn ngành phải tiếp tục đổi mới thể chế và tham mưu cho các cấp trong việc xây dựng, đổi mới thể chế nhằm huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, từng bước cơ cấu lại NSNN, cơ cấu lại nợ công, bảo đảm an ninh tài chính, góp phần tích cực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng - an ninh trong tình hình mới. Trong đó, toàn ngành phấn đấu hoàn thành dự toán thu cân đối NSNN năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 18,9%GDP. Thực hiện tốt dự toán chi NSNN năm 2015 hết sức chặt chẽ, tiết kiệm; giảm dần bội chi NSNN, đạt mức 4,5% GDP vào năm 2015 (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).
Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, ngành tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2015 đã được phê duyệt. Trong đó, ưu tiên số một là tập trung quyết liệt công tác thu NSNN. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí cả trong chi thường xuyên và đầu tư; tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm khả năng trả nợ. Trong công tác quản lý giá cả thị trường, tiếp tục quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường. Ngoài ra, phải đẩy mạnh quản lý tài chính DN, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngoài ra, ngành tài chính sẽ tiếp tục tập trung triển khai xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN năm năm giai đoạn 2016-2020... 

 

Ðến ngày 15-12-2014, số thu NSNN đã đạt 814 nghìn tỷ đồng, bằng 104% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 102,3% dự toán. Phần lớn địa phương thu đạt và vượt dự toán được giao, và nguồn vượt thu NSNN đã dành thêm 10 nghìn tỷ đồng để chuyển nguồn sang năm 2015 nhằm thực hiện chính sách tiền lương và tập trung thanh toán nợ, tăng chi t rả nợ của NSNN.

 

ÐINH TIẾN DŨNG Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Tài chính
 
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/
Số lượt xem:487

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1920443 Tổng số người truy cập: 622 Số người online:
TNC Phát triển: