Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN các tháng còn lại của năm 2020, các đơn vị, địa phương bám sát Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dại dịch Covid-19; Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân về kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020 ban hành theo Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2020 của UBND tỉnh; Văn bản số 8299/BTC-NSNN ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2020 và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương và địa phương, chủ động đánh giá, phân tích tình hình thu NSNN do tác động của dịch bệnh Covid-19, hạn hán, thiên tai; trên cơ sở đó đề xuất UBND tỉnh các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách phù hợp với tình hình thực tế theo tiến độ nguồn thu. Trong đó lưu ý:
- Dành 50% dự phòng ngân sách (cấp tỉnh, huyện, xã) cân đối thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; nguồn cải cách tiền lương còn dư; tăng thu ngân sách địa phương năm 2019 (phần còn lại sau khi đã dành nguồn 70% để cải cách tiền lương, nếu có) và các nguồn tài chính hợp pháp khác để chủ động chi thực hiện phòng chống thiên tai, dịch bệnh và chi thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19 theo quy định. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) giảm so với dự toán, trước mắt tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách còn lại của cấp mình và các nguồn lực tài chính khác để chủ động xử lý khi nguồn thu NSĐP giảm lớn. Trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, các địa phương chủ động triển khai giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán giao đầu năm, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là tiền lương, phụ cấp, các khoản trích theo lương, các chế độ, chính sách cho con người.
- Điều hành ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Thực hiện công khai minh bạch tình hình sử dụng ngân sách ở các cấp ngân sách, các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Triển khai cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội. Rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian quy định./.
TVK-NS