Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, vẫn còn có một số vấn đề tồn tại, hạn chế như việc huy động vốn vay mới tập trung vào tăng quy mô, mở rộng diện, chưa đề cao hiệu quả, nhu cầu huy động vốn vay cho đầu tư phát triển hàng năm rất lớn làm cho nợ công tăng nhanh, đến cuối năm 2015 đã sát giới hạn trần đã được Quốc hội phê duyệt; cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, vay trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn, làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ đến hạn; quản lý nợ công còn phân tán, phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ…
Để khắc phục những tồn tại này, Bộ Tài chính đã tổ chức thực hiện tốt việc tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), đảm bảo trong giới hạn cho phép và an toàn tài chính quốc gia; tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch; Cần chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay theo hướng: rà soát lại các dự án đang triển khai, cơ cấu lại nguồn vốn, loại bỏ dự án không hiệu quả, phân kỳ đầu tư để tập trung vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; Xác định rõ danh mục chương trình, dự án sử dụng vốn vay công mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, sắp xếp ưu tiên và đề xuất cơ chế tài chính cấp phát/cho vay lại ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để đánh giá tác động lên nợ công, thẩm định chặt chẽ khả năng trả nợ và đảm bảo trong giới hạn nợ công, nợ Chính phủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình sử dụng vốn vay của ác chủ dự án, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm toán việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay nợ công, đặc biệt là việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, bố trí vốn chủ sở hữu, tình hình sử dụng vốn vay, thu hồi và trả nợ công.
Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Tập trung triển khai thực hiện các phương án tái cơ cấu nợ chính phủ, các khoản vay lại/bảo lãnh chính phủ đang gặp khó khăn. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai các phương án xử lý rủi ro về nợ công, tái cơ cấu nợ Chính phủ, để đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.
Thực hiện rà soát các khoản chi ngân sách, nhất là các khoản chi đầu tư, tiền lương, phụ cấp, an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia để loại bỏ trùng lặp nhằm nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; chủ động, ưu tiên bố trí trong cân đối ngân sách nhà nước và phần vượt thu theo dự toán hàng năm để trả nợ; triển khai xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn để phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của ngân sách nhà nước.
Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Thực hiện điều chỉnh giảm bảo lãnh Chính phủ, thắt chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên và tiến tới thu hẹp, chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại theo cơ chế thị trường.
Bộ Tài chính đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và chương trình quản lý nợ trung hạn trên cơ sở đó xây dựng, triển khai và giám sát nợ công theo các chương trình quản lý nợ trung hạn, có tính đến xu hướng giảm dần huy động vốn ODA, tiến tới tăng vay ưu đãi và vay thương mại nhằm thực hiện tốt các mục tiêu quản lý nợ công.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/