banner
Thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm
19-4-2016

 1. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại… Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương… Trách nhiệm còn được hình thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội.

Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Người đã nêu lên hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Người đề cập đến đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, chuẩn mực đạo đức chung của mọi người và chuẩn mực đạo đức riêng của cán bộ, ngành nghề, lứa tuổi, cấp bậc, chức vụ,… Trong nội dung đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, có vấn đề về tinh thần trách nhiệm.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đạo đức công dân là tuân theo pháp luật nhà nước; tuân theo kỷ luật lao động; giữ gìn trật tự chung… Đó là đóng góp (nộp thuế) để xây dựng lợi ích chung. Hăng hái tham gia công việc chung. Bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ Tổ quốc, cần, kiệm xây dựng nước nhà,…

Hồ Chí Minh bàn nhiều đến đạo đức cách mạng, đạo đức cả cán bộ, đảng viên, công chức. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng. Điều này rất xác đáng, vì cán bộ, đảng viên là những người tiên tiến trong xã hội, phải đi trước để mọi người noi theo. Khi đề cập tới cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Hồ Chí Minh bàn tới cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đối với cán bộ, đảng viên, công chức. Cán bộ của từng lĩnh vực khác nhau lại có những yêu cầu khác nhau về chuẩn mực đạo đức, thậm chí cấp bậc khác nhau, chức vụ khác nhau, cũng phải có những chuẩn mực đạo đức khác nhau, như của  cán bộ, chiến sĩ công an, cán bộ kiểm sát, tòa án, y tế,… Trong quân đội, Người yêu cầu chuẩn mực đạo đức đối với người tướng là phải trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung, làm gương cho đội viên, chiến sĩ…

Về đạo đức cách mạng của người đảng viên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình  tiến bộ”. Trong Lời kết thúc buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam (3-3-1951), Hồ Chí Minh nói: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ thù nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui  vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức đối với Tổ quốc, đối với nhân dân bắt từ nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành”, “nhân dân là người làm ra lịch sử”… Người khẳng định: Không có nhân dân, Đảng, Chính phủ không đủ lực lượng. Sức mạnh nhân dân là vô địch. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Có dân là có tất cả. Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong… Để tập hợp và phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân, Đảng, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, vận động nhân dân, giảng giải lý luận, chiến lược, sách lược cho dân, làm cho dân nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng. Đảng lãnh đạo quần chúng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, giành thắng lợi trong mỗi giai đoạn cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.

Cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân đều phải có bổn phận đối với đất nước. Trong xã hội ta, nước là nước của dân; dân là chủ và dân làm chủ, có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nước độc lập thì ai cũng được tư do; nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Trong chế độ mới, cán bộ, công chức là người phụ trách trước đồng bào; thực hiện bổn phận trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, tổ chức, lôi cuốn nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người đi trước để nhân dân noi theo.

2. Vận dụng vào thực tiễn hiện nay tại cơ quan, đơn vị:

Trong nhiều năm qua tập thể Sở Tài chính đã tích cực, nổ lực phấn đấu, nâng cao vài trò và trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh và Bộ Tài chính giao, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong Chi bộ và trong cơ quan. Bên cạnh những thành quả đạt được, trong thời gian qua việc điều hành và thực thi nhiệm vụ chuyên môn tại Sở Tài chính vẫn còn một số hạn chế như sau:

- Đôi lúc đôi nơi còn một số công chức chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình khi nhận nhiệm vụ được cấp trên giao; trong quan hệ phối hợp, xử lý công việc giữa các phòng và giữa công chức với nhau đôi khi còn chưa tích cực, việc tham gia, phối kết hợp chưa sâu, chưa hết trách nhiệm; chưa thật sự chủ động, sáng tạo và đầu tư thời gian nghiên cứu, phát huy hết trách nhiệm trong quan hệ phối hợp.

          - Một số công chức chưa mạnh dạn phê bình và tự phê bình trên quan điểm cùng nhận thức có sai có sửa, phấn đấu hoàn thiện để nâng cao nhận thức và xử lý công tác ngày còn tốt hơn;

          - Khi nhận nhiệm vụ phân công một số ít công chức còn ngại khó, ngại khổ chưa thật sự tâm huyết với nhiệm vụ công việc mình đang đảm nhiệm.

          - Những công việc cấp trên, ngành giao đòi hỏi phối kết hợp nhiều bộ phận chuyên môn với nhau để hoàn thành, trách nhiệm của một số công chức, bộ phận  chưa sâu, chưa hết trách nhiệm … Từ đó dẫn đến kết quả tham mưu xử lý công tác một vài trường hợp còn trể hạn và hiệu quả chưa cao.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cá nhân trong một tập thể, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Nắm vững nguyên tắc, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng tốt vào thực tiễn công tác;

- Tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần trách nhiệm là khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất.

- Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác: Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái.

- Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng: Để thực hiện chính sách, làm tròn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động, mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn.

- Từng Đảng viên, cán bộ, công chức của Sở Tài chính  phải tận tâm, tận tụy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được các cấp phân công trên các mặt công tác, đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tinh gọn thủ tục hành chính, không gây phiền hà đối với tổ chức và công dân. Tự giác nâng cao vai trò trách nhiệm tự hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, học tập để có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu nhằm giải quyết công việc đạt hiệu quả cao nhất, phấn đấu làm hết việc chứ không phải hết giờ “nếu như chúng ta chưa hài lòng về vụ việc mình được phân công tham mưu, xử lý thì chắc chắn rằng đồng nghiệp và quần chúng nhân dân sẽ không hài lòng”.

Chi tiết tại đây 

Số lượt xem:1718

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Ra mắt Đoàn viên mới (15-4-2016)
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2026050 Tổng số người truy cập: 4792 Số người online:
TNC Phát triển: