banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Những vấn đề đặt ra đối với chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển ở Việt
18-4-2017

 1. Tổng quan về doanh nghiệp khởi nghiệp

Trong một số lĩnh vực, thuật ngữ “khởi nghiệp” không dùng để thông báo loại hình của doanh nghiệp, mà chủ yếu là miêu tả trạng thái phát triển của doanh nghiệp, đơn cử như tất cả các tập đoàn lớn hiện nay đều đã từng là doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, thuật ngữ khởi nghiệp trong bài viết này dùng để miêu tả một loại hình doanh nghiệp. Thực tế chứng minh, vấn đề lớn nhất của khởi nghiệp là khả năng hiện thực hóa ý tưởng, khả năng triển khai ý tưởng thành kế hoạch rõ ràng. Để khởi nghiệp, trước hết phải làm rõ được 3 vấn đề lớn, đó là: Tổng chi phí đầu tư là bao nhiêu? dự toán lãi lỗ và dòng tiền trong 3 năm, 5 năm tới thế nào? bao lâu thì dự án đạt khả năng hoàn vốn? Từ đó tạo tiền đề cơ sở để dự án có thể tiếp cận được các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, để làm rõ được 3 vấn đề trên, thì người khởi nghiệp cần rất nhiều kỹ năng về nghiên cứu thị trường, khả năng dự đoán, lập kế hoạch và nhất là kiến thức về tài chính.

Khởi nghiệp là một quá trình khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và phải đối mặt với những rủi ro rất lớn. Để hiểu rõ hơn về loại hình doanh nghiệp này, có thể so sánh doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, liệu nó có phải là doanh nghiệp nhỏ hay không.

Theo bà Mandela Schumacher-Hodge, một gương mặt trong Danh sách Forbes 30 Under 30, diễn giả TEDx, doanh nghiệp khởi nghiệp khác hoàn toàn với những doanh nghiệp nhỏ. Trước hết là sự khác biệt là về mặt định hướng trong bản thân doanh nhân khởi nghiệp. Đơn cử, người sáng lập một công ty khởi nghiệp muốn ra mắt sản phẩm càng nhanh càng tốt, không đặt giới hạn cho sự tăng trưởng và lợi nhuận, mà họ luôn muốn phát triển để có lợi nhuận cao nhất). Họ tạo ra sự ảnh hưởng lớn, có thể được xem là “người khai phá” thị trường. Trong khi đó, người sáng lập một doanh nghiệp nhỏ sẽ có xu hướng phát triển doanh nghiệp với một quy mô tăng trưởng giới hạn trong tầm tay kiểm soát của người sáng lập. Một điểm khác biệt đáng chú ý là, doanh nghiệp khởi nghiệp phải tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn. Hay nói một cách khác, tính đột phá là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, điều này không đặt ra đối với doanh nghiệp nhỏ.

Với đặc điểm của doanh nghiệp khởi nghiệp như vậy thì vấn đề tài chính cũng có sự khác biệt so với doanh nghiệp nhỏ. Với tham vọng tăng trưởng nhanh, đạt được lợi nhuận cao, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường cần một lượng vốn đủ mạnh để đạt được kỳ vọng này. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu từ chính tiền túi của người sáng lập hoặc đóng góp từ gia đình và bạn bè, một số trường hợp gọi vốn từ cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp đều phải gọn vốn từ các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm. Còn với các doanh nghiệp nhỏ, ngoài vốn của các nhà sáng lập và huy động của người thân thì thường vay ngân hàng, bởi vì lợi nhuận cao thường đi liền với rủi ro cao. Theo đánh giá của bà Mandela Schumacher-Hodge, trong 3 năm đầu hoạt động, tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp nhỏ ở mức 68%, còn đổi với các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ khoảng 8%.

2. Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp

Trong kinh tế học vĩ mô, CSTT được coi là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô do ngân hàng trung ương (NHTW) làm thay đổi cung ứng tiền để tác động đến lãi suất, từ đó ảnh hưởng đến chi tiêu của các khu vực nền kinh tế và cuối cùng tác động đến GDP thực, GDP tiềm năng và lạm phát. Trên thực tế, khi muốn tăng trưởng kinh tế, NHTW có thể tăng cung tiền nhằm hạ lãi suất để thúc đẩy hoạt động kinh tế; ngược lại, khi muốn hạn chế tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát, NHTW tác động giảm cung tiền làm tăng lãi suất, giảm đầu tư.

Vấn đề đặt ra là, cần xem xét lý thuyết về vai trò và những tác động của CSTT đến tăng trưởng kinh tế. Theo kinh tế học cổ điển (đại diện tiêu biểu là Adam Smith và David Ricardo), yếu rố cơ bản quyết định tăng trưởng kinh tế là lao động được sử dụng hữu ích cùng với lượng tư bản tích lũy. Đối với các nhà kinh tế học tân cổ điển, đứng đầu là Alfred Marshall (1842 - 1924)1 cho rằng, vốn và lao động có thể thay thế cho nhau và trong quá trình sản xuất có thể có nhiều cách kết hợp giữa các yếu tố đầu vào và tiến bộ khoa học kỹ thuật là yếu tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Do chú trọng đến các nhân tố đầu vào của sản xuất, lý thuyết tân cổ điển còn được gọi là lý thuyết trọng cung.

Giống với các nhà kinh tế cổ điển, các nhà kinh tế tân cổ điển cho rằng, trong điều kiện thị trường cạnh tranh, khi nền kinh tế có biến động thì sự linh hoạt về giá cả và tiền công là nhân tố cơ bản khôi phục nền kinh tế về vị trí sản lượng tiềm năng với việc sử dụng hết nguồn lao động.

Năm 1936, sự ra đời của tác phẩm “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ” của John Maynard Keynes (1883 - 1946) đánh dấu sự ra đời của học thuyết kinh tế mới. Ông khẳng định bằng các nghiên cứu như đầu tư đóng vai trò quyết định đến quy mô việc làm, đến tăng trưởng và khối lượng đầu tư phụ thuộc lãi suất cho vay và năng suất cận biên của vốn. Keynes sử dụng lý luận về việc làm và sản lượng do cầu quyết định để giải thích mức sản lượng thấp và thất nghiệp kéo dài trong những năm 30 ở hầu hết các nước công nghiệp phương Tây, do đó lý thuyết này còn gọi là thuyết trọng cầu.

Qua phân tích tổng quan về việc làm, Keynes đã đi đến kết luận, muốn thoát khỏi khủng hoảng, thất nghiệp, Nhà nước phải thực hiện điều tiết bằng các chính sách kinh tế nhằm tăng cầu tiêu dùng. Ông cũng cho rằng, Chính phủ có vai trò lớn trong việc sử dụng những chính sách kinh tế: Chính sách thuế, chính sách tiền tệ, lãi suất... nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại thống nhất với cách xác định của mô hình kinh tế tân cổ điển về các yếu tố tác động đến sản xuất. Họ cho rằng, tổng mức cung (Y) của nền kinh tế được xác định bởi các yếu tố đầu vào của sản xuất: Lao động (L), vốn sản xuất (K), tài nguyên thiên nhiên được sử dụng (R), khoa học công nghệ (A). Theo đó, hàm sản xuất có dạng Y= F (L, K, R, A). Để tăng trưởng sản xuất, các nhà sản xuất có thể lựa chọn nhiều vốn hoặc công nghệ sử dụng nhiều lao động. Samuelson cho rằng, một trong những đặc trưng quan trọng của kinh tế hiện đại là “kỹ thuật công nghiệp tiên tiến hiện đại dựa vào việc sử dụng vốn lớn”. Do đó, vốn là cơ sở để phát huy tác dụng của các yếu tố khác: Vốn là cơ sở để tạo ra việc làm, để có công nghệ tiên tiến. Vì vậy, trong phân tích và dự báo kinh tế ngày nay, hệ số ICOR được coi là cơ sở để xác định tỷ lệ đầu tư cần thiết phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Có thể thấy, lý thuyết về tăng trưởng kinh tế qua các thời kỳ có sự kế thừa và phát triển, song đều thống nhất các yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn là lao động (L), vốn (K), nguồn lực tự nhiên và tiến bộ kỹ thuật hay công nghệ. Vấn đề đặt ra là, CSTT sẽ đóng góp như thế nào vào các yếu tố này. CSTT với bản chất của nó là tổng thể các biện pháp chính sách, công cụ của NHTW để chi phối, điều tiết quá trình cung ứng tiền và tín dụng, tức là thông qua chi phối dòng chu chuyển tiền và khối lượng tiền2, qua đó làm thay đổi hành vi tiêu dùng và sản suất của xã hội. Sự thay đổi hành vi này có thể thúc đẩy sản xuất phát triển hoặc làm đình trệ sản xuất.

Trong phân tích gốc của Keynes đã đưa ra một cơ chế truyền tải của CSTT đến tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở phân tích việc chi tiêu đầu tư được xác định bởi tỷ lệ lãi suất và hiệu quả biên của đầu tư - đó là tỷ lệ lợi nhuận mong muốn từ việc tăng thêm một đơn vị của chi tiêu đầu tư, với giả định, độ co giãn của cầu đầu tư theo lãi suất là thấp.

Phát triển mô hình tác động của Keynes, các nhà nghiên cứu tiền tệ đã phân tích chi tiết tác động của tiền tệ đến từng cấu thành nhỏ của GDP. Sự phân tích của các nhà nghiên cứu tiền tệ bắt đầu từ hành động của NHTW làm thay đổi tiền dự trữ hoặc thay đổi lãi suất của NHTW, từ đó tạo ra một sự mở rộng hay thu hẹp theo cấp số nhân cung tiền của nền kinh tế, tác động đến lãi suất và điều kiện tín dụng. Sự thay đổi lãi suất và điều kiện tín dụng đã tác động đến các cấu thành của GDP. Các nhà nghiên cứu tiền tệ đã phân tích chi tiết sự tác động này để hình thành nên lý thuyết cơ chế truyền tải. (Sơ đồ 1)

Thông qua lý thuyết về tăng trưởng kinh tế và cơ chế tác động của CSTT đến tăng trưởng và lạm phát có thể thấy, CSTT có tác động đến tăng trưởng kinh tế thông qua việc tạo nguồn vốn, kích thích đầu tư thông qua lãi suất, tỷ giá. Những tác động của CSTT đến các yếu tố tăng trưởng kinh tế (chủ yếu là yếu tố vốn), thông qua việc cung ứng nguồn vốn mang tính ngắn hạn cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình những hành vi tiêu dùng và đầu tư là những tác động mang tính ngắn hạn.

3. Chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam 

Thực tế ở Việt Nam, phong trào khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trong năm 2016, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2016 là năm của tinh thần khởi nghiệp, cũng như tinh thần khởi nghiệp đã được khơi dậy từ Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 35/NQ-CP về phát triển doanh nghiệp và từ động thái rất tích cực của Chính phủ mới. Một Chính phủ coi nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Một Chính phủ được thiết kế theo Chính phủ kiến tạo. Trong năm 2016 rất nhiều học sinh, sinh viên đã bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, doanh nghiệp dựa trên sự sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khởi nghiệp là một quá trình vất vả, đòi hỏi nhiều công sức và phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Để thành công trước hết phải có một ý tưởng đúng đắn xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, đi kèm với kế hoạch cụ thể để triển khai ý tường đó; tiếp đó phải phát huy được kỹ năng nổi trội của bản thân và quan trọng hơn là phải thiết lập được một nhóm phù hợp. Trên thực tế, nhiều dự án khởi nghiệp thất bại do mâu thuẫn nhóm. Ngoài yếu tố cần thiết từ bản thân, còn cần có nguồn vốn và một môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn mực tiên tiến của ASEAN và thế giới thì lúc đó nó mới có thể làm bệ đỡ cho sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Như vậy, hỗ trợ khởi nghiệp là bài toán không đơn giản đối với Việt Nam xét từ góc độ của CSTT. Xét trên góc độ vi mô, CSTT hỗ trợ doanh nghiệp nói chung là từ việc hỗ trợ vốn với mức lãi suất thấp hơn thị trường. Đây là một động thái của nới lỏng CSTT. Thêm vào đó, với đặc điểm của doanh nghiệp khởi nghiệp là rủi ro lớn, do đó, có hai vần đề đặt ra đối với CSTT trong việc hỗ trợ gồm: 

Kiểm soát lạm phát: Mặc dù lạm phát của Việt Nam năm 2015, 2016 đã được kiểm soát ở mức thấp, sát với mục tiêu đề ra, song áp lực lạm phát chưa giảm, vẫn còn nhiều tiềm ẩn, vì vậy CSTT vẫn luôn phải coi trọng việc kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu trong năm 2017 và những năm tiếp theo, việc hỗ trợ không vượt qua mục tiêu kiểm soát lạm phát, tức là việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng phải nằm trong phạm vi cung ứng tiền hằng năm phù hợp với mức lạm phát mục tiêu.

Đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng: Ổn định hệ thống ngân hàng được xác định ở nhiều yếu tố khác nhau, song hiệu quả đầu tư tín dụng là yếu tố rất quan trọng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu, trong năm 2017, tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu phát sinh của những năm trước và mục tiêu đặt ra là không để phát sinh nợ xấu mới, đảm bảo nợ quá hạn khoảng 2 - 3% tổng dự nợ. Như vậy, đồng vốn đầu tư cho doanh nghiệp phải có hiệu quả, phải thu hồi được vốn và lãi. Trong báo cáo về mức độ cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới WEC năm 2015 về mức độ tinh tế trong kinh doanh3, Việt Nam xếp 106/144 quốc gia trên thế giới. Khởi nghiệp không khó, nhưng khởi nghiệp bền vững mới khó. Nếu chỉ bắt đầu bằng những ý tưởng thiếu nghiên cứu thị trường, thiếu kiến thức, không có kỹ năng lập và triển khai dự án, những doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng. Đây chính là vấn đề lớn của CSTT khi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có những động thái hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định tỷ giá và từng bước hạ thấp mặt bằng lãi suất trong năm 2016 và định hướng 2017 sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngày 30/12/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017, theo đó chỉ có pháp nhân và cá nhân được vay vốn. Điều đó có nghĩa là, để được vay vốn ngân hàng, các hộ sản xuất phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, việc chuyển đổi này là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp. Bên cạnh đó, một số NHTM cũng đã chủ động tìm hiểu để đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Tóm lại, để CSTT hỗ trợ tốt doanh nghiệp khởi nghiệp, giảm rủi ro ở mức thấp nhất, rất cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng từ các quỹ bảo lãnh tín dụng và vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Tài liệu tham khảo

1. Luận án tiến sĩ của NCS. Nguyễn Thị Kim Thanh.

2Công ty khởi nghiệp khác gì doanh nghiệp tư nhân?, Tuổi trẻ online, ngày 18/8/2015.

3Tạo sức bật cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, http://startupnation.vn, ngày 06/12/2016.

1 Tác phẩm chính của Alfred Marshall là “Các nguyên lý của kinh tế học”, xuất bản năm 1890, tác phẩm này đã đánh dấu sự ra đời của trường phái tân cổ điển.

2 CSTT của NHTW Đức, Nhà xuất bản Văn hóa và Thông tin, năm 1994.

3 Mức độ tinh tế trong kinh doanh đề cập đến hai yếu tố không thể tách rời là chất lượng chung của hệ sinh thái kinh doanh tại một quốc gia và chất lượng xây dựng chiến lược, triển khai hoạt động tại từng doanh nghiệp.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn

Số lượt xem:1205

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Ý tưởng khởi nghiệp (3-4-2017)
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1468499 Tổng số người truy cập: 923 Số người online:
TNC Phát triển: