Bám sát diễn biến thị trường
Về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, tổng hợp phân tích dự báo; chủ động xây dựng kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng quan trọng do Nhà nước quản lý trong những tháng đầu năm 2020 với lộ trình phù hợp để hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung khi có phát sinh.
Ảnh minh họa: Minh Tuấn
Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó:
Chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan (Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa thông tin, Công thương, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Hải quan, Thanh tra, Công an, Thuế...) để tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành giá bảo đảm hài hòa lợi ích giữa đơn vị cung ứng và người sử dụng dịch vụ, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa phương nói riêng và mặt bằng giá cả nước nói chung phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Chỉ thị cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn thị trường giá cả. Cụ thể, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất nổ, pháo, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thịt lợn, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt ở những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới; Phối hợp với Cục Thuế tăng cường đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế và chuyển giá, chấn chỉnh công tác hoàn thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; rà soát, ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung chi không thiết thực, không chấp hành đúng quy định về thủ tục hồ sơ, chế độ; Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Bên cạnh đó, các đơn vị này cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thời điểm dịp Tết để tăng giá dây chuyền, tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Đồng thời, các đơn vị cần có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết. Và tổ chức triển khai toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính có trách nhiệm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và các Cục Hải quan khu vực, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, xuất lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra và vào lãnh thổ Việt Nam; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát Hải quan; tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết, đồng thời vẫn phải đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ và trên biển; xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với mặt hàng trọng điểm.
Các Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện đúng quy trình, thủ tục hải quan; tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.
Tổng cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hóa đơn và hồ sơ mua bán hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, thu gom hàng hóa cư dân biên giới của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới để ngăn chặn sử dụng hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.
Chống thất thu ngân sách, bình ổn thị trường
Chỉ thị 03 nêu rõ, trong việc triển khai các nhiệm vụ về tài chính ngân sách, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao có trách nhiệm đẩy mạnh một số nhiệm vụ có liên quan, cụ thể như sau:
Tổng cục Thuế chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, chấn chỉnh công tác hoàn thuế; báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của toàn ngành Thuế theo quy định tại Chỉ thị này.
Các Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo rà soát nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá. Tổ chức thực hiện thu đầy đủ, thu kịp thời các khoản phải thu theo kết quả Kiểm toán, Thanh tra và cơ quan bảo vệ pháp luật. Công bố công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước tổ chức điều hành ngân quỹ đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước các cấp và các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước; quản lý chi ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ. Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước từ trung ương đến địa phương theo quy định tại Chỉ thị này, trong đó có số liệu về kiểm soát chi ngân sách nhà nước và các nội dung liên quan.
Các Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, kiên quyết không cho giải ngân thanh toán đối với các trường hợp không đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ mức giá và các chi phí nhập, chi phí xuất cấp, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý trực tiếp; chủ trì thẩm định, đề xuất và chỉ đạo kịp thời việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đối với các địa phương bị thiên tai, bão lũ, giáp hạt... đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả.
Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có trách nhiệm tổ chức thực hiện xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cứu đói cho dân trong thời gian giáp hạt và dịp Tết cho các vùng bị thiên tai, bão lũ,...; có phương án bảo vệ an toàn kho tàng, hàng hóa... do đơn vị trực tiếp quản lý. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính địa phương xác định giá mua, giá bán lương thực và muối ăn trên địa bàn quản lý khi triển khai mua, bán lương thực và muối ăn dự trữ quốc gia theo quy định.
Vụ Ngân sách nhà nước có nhiệm vụ theo dõi, cập nhật, tổng hợp báo cáo Bộ về tình hình triển khai kinh phí thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, giá cả của các địa phương; tổng hợp tình hình bố trí kinh phí và đề xuất hỗ trợ kinh phí của địa phương trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 về ý kiến kết luận tại cuộc họp về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019.
Cục Tài chính doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tham mưu kịp thời các biện pháp về cơ chế tài chính và phối hợp với Cục Quản lý giá trong công tác điều hành giá và bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Tài chính chủ trì thực hiện việc kiểm tra chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán, giá, thuế, phí... theo kế hoạch và trường hợp đột xuất đối với các doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai giá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo https://www.mof.gov.vn/.