Phát biểu tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Hữu Lợi cho biết, vừa qua, Bộ Tài chính đã cùng với các Bộ, ngành tham mưu với Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết quan trọng thực hiện trong cả giai đoạn 2016 - 2020: Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, định hướng đến năm năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Triển khai các Nghị Quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1134/QĐ-BTC ngày 23/05/2016 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Quyết định số 1239/QĐ-BTC ngày 31/05/2016 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP.
Theo đó, Quyết định số 1134/QĐ-BTC bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19/NQ-CP, Kế hoạch hành động đã đề ra những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Nghị quyết trong hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020 bảo đảm đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 trong lĩnh vực thuế, hải quan, cụ thể:
Đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 03 nhóm chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế
Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15% đến hết năm 2016.
Bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân. Bảo đảm chỉ số mức độ sẵn có và đầy đủ dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.
Phối hợp hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cũng theo Quyết định số 1134/QĐ-BTC, kế hoạch được cụ thể hóa các nhiệm vụ thành 73 giải pháp và 118 sản phẩm đầu ra. Các nhiệm vụ và giải pháp được phân công rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, quy định cụ thể tiến độ hoàn thành.
Trong lĩnh vực hải quan, các nhiệm vụ được cụ thể hóa thành 39 giải pháp gắn với các sản phẩm đầu ra gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; các nhóm nhiệm vụ khác (chủ yếu liên quan đến Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, kết nối trao đổi thông tin bằng thường thức điện tử về hàng hóa tại cảng; giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ; phối hợp với Ngân hàng thương mại mở rộng thành toán điện tử...)
Trong lĩnh vực thuế, các nhiệm vụ được cụ thể hóa thành 21 giải pháp gắn với các sản phẩm đầu ra cụ thể gồm: về ứng dụng công nghệ thông tin; về quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng qua việc hoàn thiện phầm mềm và cơ sở dữ liệu về giải quyết khiếu nại, hướng tới bảo đảm 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định pháp luật; tiếp tục triển khai cấp mã số thuế tự động và phân cấp cơ quan thuế đối với doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế; trình Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp trong năm 2016; Ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành Luật phí, lệ phí; Chủ động phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng quy trình liên thông giữa cơ quan thuế và Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất/cơ quan công an và rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về cước và phụ cước.
Trong lĩnh vực tài chính khác, các nhiệm vụ được cụ thể hóa thành 13 giải pháp có thể nhóm thành các nhóm sau: về hoàn thiện quy định và công khai điều kiện đầu tư kinh doanh; xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Tài chính; nhóm giải pháp liên quan đến công khai thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện, xử lý các phản ánh kiến nghị và kết quả giải quyết TTHC, rà soát, đơn giản hóa TTHC và tăng cường kiểm tra việc thực hiện TTHC; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của cơ quan, đơn vị; kiện toàn bộ máy để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; chủ động phối hợp với Bộ, ngành trong việc công khai quỹ đất chưa sử dụng, đất cho thuê, quỹ đất nhà nước giao (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và phổ biến thông tin về Hiệp định FTA, TPP và các cam kết quốc tế đã ký kết và thực hiện, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại ở nước ngoài.
Toàn cảnh buổi họp báo
Đối với Quyết định số 1239/QĐ-BTC, chương trình hành động yêu cầu phải cụ thể, khả thi và có kết quả rõ ràng hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP; Hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện; Quy định rõ chế độ báo cáo, cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Trên cơ sở các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP, Chương trình hành động đã cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ bằng 34 giải pháp và 46 sản phẩm đầu ra.
Cũng giống như Kế hoạch triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP, các nhiệm vụ và giải pháp trong Chương trình hành động cũng được phân công rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, quy định cụ thể tiến độ hoàn thành.
Đối với nhóm nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp: triển khai quyết liệt, đúng thời hạn và hiệu quả các quyết định và chỉ đạo của Bộ có liên quan nhằm cải cách hành chính nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện Chính phủ điện tử; Rà soát đánh giá hiện trạng trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo từng lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực QLNN của Bộ Tài chính liên quan đến doanh nghiệp; Nghiên cứu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chưa đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ; Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.
Đối với nhóm nhiệm vụ bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp: với 23 giải pháp gắn với 36 sản phẩm đầu ra. Các giải pháp tập trung vào việc nghiên cứu, rà soát, tổng kết, đánh giá, đề xuất và soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn về thuế, về tín dụng cho doanh nghiệp; sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan; Tái cấu trúc thị trường chứng khoán; bổ sung cơ chế đẩy mạnh thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai các mô hình quỹ tương hỗ; đồng thời tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015.
Đối với nhóm nhiệm vụ giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp: với 5 giải pháp gắn với 5 sản phẩm đầu ra, các giải pháp tập trung vào việc rà soát các quy định về đất đai, về các yếu tố đầu vào của sản xuất, nhất là các yếu tố đầu vào của hoạt động vận tải để ban hành các văn bản điều chỉnh giảm các chi phí, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên khi cho rằng, tinh thần của Nghị quyết 19 và 35 đều có tính đến tháo gỡ khó khăn của DN, tuy nhiên Nghị quyết khi triển khai chưa mang lại hiệu quả tích cực cho DN, ông Ngô Hữu Lợi cho biết: Nghị quyết 19 và 35 đều hướng tới mục đích cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ DN, tất cả các nội dung của Nghị quyết này đều hướng tới cải cách hành chính tốt nhất cho DN. Tuy nhiên, CCHC là cả quá trình, trong quá trình thực hiện các Nghị quyết đã có rất nhiều giải pháp được triển khai. Thực chất nhiều nội dung đã được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thủ tục hành chính của ngành Tài chính cũng liên quan đến thủ tục hành chính của các bộ, ngành khác, cho nên phải có sự chủ động, sửa đổi thể chế và cần có thời gian để các TTHC chuyển đổi theo, kể cả việc đào tạo lại cán bộ công chức cho phù hợp.
Các giải pháp cụ thể của Bộ Tài chính để Nghị quyết đi vào cuộc sống sớm nhất là: tổ chức thực hiện để CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các đơn vị gắn với nâng cao kỷ cương trong thi hành công vụ, đào tạo lại cán bộ công chức; tăng cường hiện đại hóa, đưa công nghệ vào công tác cải cách hành chính.
Ngoài ra, cùng với việc tổ chức, đào tạo lại cán bộ công chức, Bộ Tài chính cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra trong thi hành công vụ, đó là việc giám sát khâu thực thi cuối cùng, ông Lợi cho biết.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.