banner
Thứ 6, ngày 5 tháng 7 năm 2024
Điểm mới trong quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để cho vay người nghèo
20-3-2017

 Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 730/TTg-KTTH chỉ đạo về việc giải thể Quỹ giải quyết việc làm địa phương: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giải thể Quỹ giải quyết việc làm địa phương theo thẩm quyền; Nguồn vốn còn lại tại thời điểm giải thể của Quỹ giải quyết việc làm địa phương được thành lập theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền, được tiếp tục thực hiện theo hình thức chính quyền địa phương ủy thác vốn ngân sách địa phương thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Từ trước đến nay, các địa phương đang thực hiện cho vay từ Quỹ giải quyết việc làm địa phương theo quy định tại Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01/8/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm và Quy chế quản lý và điều hành Quỹ giải quyết việc làm của địa phương. Do vậy, khi giải thể Quỹ việc làm địa phương sẽ có một số vướng mắc và thực hiện không thống nhất giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm chỉ quy định về cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, không quy định về cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách địa phương.

Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), đến nay, các tỉnh, thành phố đã thực hiện ủy thác vốn ngân sách địa phương qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ với tổng dư nợ là 6.500 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay: giải quyết việc làm là 3.209,6 tỷ đồng lớn nhất (chiếm 49,3% tổng dư nợ), hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 1.678,2 tỷ đồng (chiếm 25,8% tổng dư nợ), các chương trình khác là 1.614,2 tỷ đồng (chiếm 24,8% tổng dư nợ).

Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện cho vay giải quyết việc làm ở các địa phương được thuận lợi, thống nhất sau khi Thông tư số 73/2008/TT-BTC hết hiệu lực, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện thống nhất và hiệu quả, ngày 8/02/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác với một số điểm mới sau:

Về nguồn vốn: Thông tư số 11 quy định chuyển nguồn vốn còn lại tại thời điểm giải thể của Quỹ giải quyết việc làm địa phương cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương trích hàng năm ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn tiền lãi thu được từ cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được trích hàng năm để bổ sung vào nguồn vốn ủy thác.

Về quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn: Khác với Thông tư số 73/2008/TT-BTC, UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý và điều hành Quỹ giải quyết việc làm của địa phương, Thông tư số 11 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh: UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đối tượng cho vay:Thông tư số 11 quy định rõ đối tượng cho vay đối với các đối tượng chính sách khác bao gồm cả đối tượng chính sách khác theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và một số đối tượng chính sách khác tại địa phương (ngoài Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định (nếu có) để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay: NHCSXH quản lý và hạch toán số tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương vào thu nhập của Ngân hàng Chính sách xã hội và quản lý, sử dụng theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: đầu tiên là trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chung; tiếp đến trích phí quản lý nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH, phí chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của các co quan, đơn vị liên quan. Phần còn lại (nếu có) được bổ sung vào nguồn vốn cho vay.

Bổ sung quy định đối với trường hợp lãi thu được sau khi trích quỹ dự phòng rủi ro tín dụng chung không đủ trích phí quản lý cho NHCSXH theo quy định, ngân sách địa phương cấp bù phần còn thiếu cho NHCSXH nơi nhận ủy thác.

Xử lý nợ bị rủi ro: Ngoài việc quy định cơ chế xử lý các khoản nợ bị rủi ro, thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi ro, nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro. Thông tư số 11 quy định bổ sung trường hợp quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không đủ bù đắp, tùy theo tình hình thực tế khoản vay bị rủi ro thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện; UBND cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung ngân sách địa phương để xử lý, hoặc giảm trực tiếp vào nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện;

Đặc biệt, để tăng cường nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Thông tư quy định trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng sau khi được sử dụng để xử lý xóa nợ bị rủi ro lớn hơn số dư Quỹ dự phòng rủi ro tối đa, được bổ sung vào nguồn vốn ủy thác để cho vay theo quy định./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn.

Số lượt xem:476

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1573245 Tổng số người truy cập: 3533 Số người online:
TNC Phát triển: