Sự đột phá này được thể hiện ngay từ khâu ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 rất đồng bộ và kịp thời. Theo đó, ngay từ ngày 01/7/2014 khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định hướng dẫn, tương ứng với đó, các Bộ, ngành đã ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định, qua đó, giúp cho Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời các vấn đề bức thiết mà thực tế đang đòi hỏi. Điều này, được dư luận đánh giá rất cao khi tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư vốn luôn tồn tại và gây bức xúc lâu nay.
Trong những đổi mới mạnh mẽ và tích cực của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, những nội dung đổi mới mang tính đột phá của thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài chính đất đai thu hút được sự quan tâm nhiều của các DN và hộ gia đình. Lĩnh vực này đã có sự cải cách mạnh mẽ theo hướng mang đến thuận lợi tối đa, tiết giảm chi phí về thời gian, tiền của cho người dân và DN. Những nội dung cụ thể được thể hiện tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất, Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định về tiền thuê đất, thuê mặt nước; Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP, Thông tư 77/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 46/2014/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành cùng có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/7/2014.
Theo đó, thời gian làm thủ tục của người sử dụng đất trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đã được giảm xuống hàng trăm giờ mỗi năm. Bởi với những quy định mới, việc thực hiện thủ tục hành chính đối với tài chính đất đai được thực hiện theo cơ chế một cửa, đồng thời áp dụng phương pháp xác định tiền sử dụng đất và xác định thời gian trả kết quả cho người sử dụng đất rất rõ ràng, minh bạch, với trách nhiệm cụ thể được quy về cơ quan quản lý nhà nước. Người sử dụng đất chỉ phải một lần đến nộp hồ sơ ban đầu xin giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trong vòng từ 3 đến 5 ngày, các cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có trách nhiệm thực hiện luân chuyển hồ sơ, xác định nghĩa vụ tài chính để thông báo cho người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với nhà nước. Trong từng trường hợp, nếu ở một công đoạn chậm sẽ ảnh hưởng đến quy trình giải quyết thủ tục, tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh của DN, người dân thì trách nhiệm cũng được xác định cụ thể tới từng cá nhân, cơ quan xử lý hồ sơ; quy định này được hiểu rằng, nếu làm chậm gây ảnh hưởng đến lợi ích, gây thiệt hại cho DN và người dân thì cá nhân, cơ quan co lien quan phải bồi thường… Quy định này đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của người dân và DN.
Anh Nguyễn Quang T., chủ một DN đang thuê đạt tại Hưng Yên cho biết: “...Từ trước đến nay, DN chúng tôi luôn phải “thấp cổ, bé họng” trước cơ quan công quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính, bởi sự thiếu minh bạch, thậm chí có cả sai phạm từ phía cơ quan xử lý hồ sơ mà không biết quy cho ai và kêu đến ai. Nay sự thể đã thay đổi theo quy định mới, chúng tôi hoàn toàn có thể quy rõ được trách nhiệm của cán bộ xử lý hồ sơ nếu có việc khuất tất, “hành” DN…”
Không chỉ dừng lại ở đó, để đẩy mạnh cải cách tài chính đất đai, giảm chi phí vật chất cho xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho DN và người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi áp dụng phương pháp hệ số xác định giá đất để tính các khoản nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất. Nếu như trước đây khi doanh nghiệp, người dân thuê đất của Nhà nước, hết chu kỳ ổn định giá 5 năm, các cơ quan hữu quan lại thành lập đoàn kiểm tra đến tận nơi để xác định lại đơn giá thuê cho chu kỳ mới, thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, gây tốn kém cho Nhà nước và phiền hà cho DN, thì nay, phương thức này hoàn toàn được loại bỏ. Theo đó, Nghị định 46/2014/NĐ-CP và Thông tư số 77/2014/TT-BTC quy định, hết chu kỳ cho thuê đất, cơ quan thuế căn cứ vào bảng giá đất, hệ số sử dụng đất và tỷ lệ phần trăm đã được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định để xác định số tiền phải nộp của người thuê đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xây dựng cho từng khu vực, tuyến đường dựa trên tình hình thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định, công bố công khai hàng năm. Để khắc chế tình trạng “xin – cho”, hạn chế phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc xác định nghĩa vụ tài chính đất đai, Bộ Tài chính cũng quy định các địa phương phải ban hành cụ thể hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm giá đất tính thu tiền thuê đất, không ban hành khung. Bởi nếu thực hiện ban hành khung thì giữa DN và cơ quan quản lý sẽ dễ nảy sinh cơ chế “xin - cho” trong việc áp giá ở mức sàn hoặc mức trần.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế: Với số lượng hàng trăm nghìn DN đang thuê đất như hiện nay, phương pháp xác định mới này sẽ tạo ra sự đột phá lớn, loại bỏ được tình trạng lãng phí tiền của Nhà nước khi xác định lại giá; DN không còn nơm nớp nỗi lo khi đến kỳ hết hạn thuê đất phải tiếp đoàn xác định giá thuê đất của cơ quan hữu quan. Quy định này khi được thực thi nghiêm túc sẽ tiết kiệm nguồn lực tài chính rất lớn cho Nhà nước, DN và xã hội.
Cùng với những cải cách mang tính đột phá, giảm nghĩa vụ tài chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN thì hộ gia đình, cá nhân cũng là đối tượng được thụ hưởng lợi ích trực tiếp từ những đổi mới về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính đất đai. So với quy định trước đây, việc mở rộng phạm vi sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định mới sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Đồng thời, với quy định cho các hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính được ghi nợ tiền sử dụng đất trong thời hạn 5 năm, nếu thanh toán trước hạn sẽ được Nhà nước hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn được xã hội đồng tình cao.
Các chính sách tài chính đất đai mới mang tính đột phá trên khi đi vào cuộc sống không chỉ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo an sinh xã hội mà còn tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho Việt Nam.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/