Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại buổi họp
Tại buổi họp báo, ông Cao Anh Tuấn cho biết, ngày 24/2/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Việc xây dựng Nghị định quản lý doanh nghiệp có quan hệ liên kết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, tăng cường tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thu thuế cũng như tạo sự thuận lợi cho việc hiện đại hóa công tác quản lý thu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giải, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Ông Tuấn cũng cho biết thêm: chống chuyển giá, trốn thuế là việc khó không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về chống chuyển giá, trốn thuế của cơ quan Nhà nước, người tiêu dùng cũng cần sử dụng quyền lực của mình để tẩy chay những DN có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế phát biểu tại buổi họp
Thông tin chi tiết về những điểm mới của Nghị định, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra cho biết: Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho DN có giao dịch liên kết. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như:
Về nguyên tắc áp dụng: Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
Nghị định 20 cũng quy định, cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định.
Liên quan đến nội dung xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Nghị định quy định người nộp thuế không được trừ vào chi phí tính thuế TNDN trong kỳ đối với các khoản chi phí phát sinh của các giao dịch liên kết không phù hợp bản chất giao dịch độc lập hoặc không góp phần tạo ra doanh thu, thu nhập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tổng mức chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với (+) chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA).
Toàn cảnh buổi họp báo
Cũng tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Lan Anh đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về một số nội dung được quy định tại Nghị định như: Chi phí được trừ và chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN; Hình thức lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết… Liên quan đến nội dung câu hỏi về công tác thanh kiểm tra giá chuyển nhượng bà Lan Anh cho biết: “Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2015 ngành Thuế đã thanh tra, thực hiện điều chỉnh, xác định giá thị trường đối với 130 doanh nghiệp, điều chỉnh giảm lỗ 2.962 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 3.430 tỷ đồng, truy thu 724 tỷ đồng. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý giá chuyển nhượng, ngành Thuế tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng với cơ chế tự kê khai tự nộp thuế nhằm đem lại lợi ích cho DN có giao dịch liên kết”.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn.