banner
Thứ 5, ngày 9 tháng 1 năm 2025
Siết đầu tư ngoài ngành, khống chế tỷ lệ huy động vốn của DNNN
16-10-2015

 Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực thiết yếu

Theo Nghị định 91, phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp gồm 4 ngành, lĩnh vực sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm: Dịch vụ bưu chính công ích; Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm); Hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; Quản lý, khai thác công trình thủy lợi, tủy nông liên tỉnh, liên huyện; Quản lý, khai thác, điều hành hệ thống kết cấu hạ tấng được sắt quốc gia, được sắt đô thị, bảo đảm an toàn bay, an toàn hàng hải; Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ .

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên, bao gồm: Hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhà máy thủy điện có quy mô lớn đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gán với quốc phòng, an ninh; In, đúc và sản xuất vàng miếng; Xổ số kiến thiết.

Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, mua, bán và xử lý nợ phục vụ tái cơ cấu và hỗ trợ điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, doanh nghiệp nhà nước ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Nghị định 91 cũng quy định rõ việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Theo đó, Nhà nước chỉ thực hiện mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp trong 3 trường hợp: Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn chiến lược, biên giới đất liền, hải đảo; Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội.

Các vấn đề về đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động cũng được quy định cụ thể tại Nghị định này. Trong đó, doanh nghiệp được bổ sung vốn điều lệ gồm: Doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có hiệu quả có mức vốn điều lệ hiện tại không bảo đảm thực hiện ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh nhưng vốn điều lệ hiện tại không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.

Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước được xác định hoạt động có hiệu quả phải đảm bảo kết quả xếp loại doanh nghiệp nhà nước của ba năm liền kề trước năm xác định bổ sung vốn điều lệ đạt từ loại B trở lên theo công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền.

 Doanh nghiệp nhà nước phải tự trả nợ vay

Về huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 91 quy định, việc huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay. Điều kiện, trình tự, thủ tục xem xét chấp thuận khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải được đăng ký và xác nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành.

Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do doanh nghiệp trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Tổng mức vốn huy động để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn của các công ty con do doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 189 Luật doanh nghiệp năm 2014) phải đảm bảo hệ số nợ phải trả không quá 3 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn. Trong đó: Vốn chủ sở hữu ghi trên bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp nhà nước được xác định không bao gồm chỉ tiêu “nguồn kinh phí và quỹ khác”. Vốn chủ sở hữu quy định tại Điểm này được áp dụng đối với nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 và điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị định này.

Nợ phải trả ghi trên bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp nhà nước được xác định không bao gồm các chỉ tiêu: “Quỹ khen thưởng, phúc lợi”, “Quỹ bình ổn giá”, “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

Số lượt xem:508

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Tháng 9: CPI giảm 0,21% (28-9-2015)
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2006580 Tổng số người truy cập: 2238 Số người online:
TNC Phát triển: