banner
Thứ 2, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014 - 2015
28-12-2015

 Cơ chế tài chính thúc đẩy thoái vốn, cổ phần hóa gắn với niêm yết

Cơ chế chính sách chungCác cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp… đã góp phần hoàn thiện thể chế quản lý của Nhà nước cũng như hoạt động của các DNNN trong quá trình tái cơ cấu. Có thể kể đến các văn bản như: Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 quy định về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước, Thông tư số 51/2015/TT-BTC và Thông tư số 52/2015/TT-BTC ngày 17/4/2015 hướng dẫn xử lý tài chính khi sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, chính sách tài chính đặc thù đối với công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới… Bên cạnh đó, Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần đã bước đầu thúc đẩy tiến trình sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ chế chính sách thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cơ chế sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) được ban hành nhằm quán triệt chủ trương thực hiện CPH DNNN theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa thất thoát vốn và tài sản nhà nước để đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN (Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP). Theo đó, những vấn đề về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; tiêu chí phân loại DNNN và các hình thức tổ chức lại, giải thể DNNN (Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014, Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014) cũng được ban hành và đưa vào thực hiện.

Đối với hoạt động thoái vốn, để tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc làm chậm tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua, các giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được ban hành. Cơ chế về thoái vốn thông qua đấu giá, bán vốn đã góp phần kết nối giữa CPH DNNN với thị trường chứng khoán, đa dạng hóa sở hữu trong các DNNN không cần nắm giữ hoặc chi phối (Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/03/2014 và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014). Trong năm 2015, Chính phủ cũng ban hành 9 nhóm nội dung nhằm xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN, theo đó việc thực hiện bán cổ phần theo lô đã được thông qua (Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015).

Về cơ bản các cơ chế chính sách hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DNNN đã được ban hành đầy đủ và liên tục được cập nhật nhằm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu CPH 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2015.

Kết quả sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014 - 2015

Về sắp xếp, CPH DNNN: Các quy định về sắp xếp, CPH liên tục được thực hiện, bảo đảm chặt chẽ và ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua được cổ phần, tăng cường tính công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường và gắn kết với phát triển thị trường vốn. Đặc biệt, đã quy định về bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp bằng hình thức đấu giá nhằm xóa bỏ cơ chế CPH khép kín trong doanh nghiệp CPH và hướng dẫn bán cổ phần theo lô nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN. Tính đến hết năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 doanh nghiệp, gấp 1,65 lần năm 2013 (trong đó, CPH được 143 doanh nghiệp, gấp gần 2 lần năm 2013). Tính đến ngày 20/10/2015, cả nước đã CPH được thêm 116 doanh nghiệp.

Về tiến độ tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước: Đến ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương phê duyệt đề án của 79 tổng công ty nhà nước trực thuộc. Trên cơ sở đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty đã và đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên, đi đôi với việc tái cơ cấu lao động, triển khai nghiên cứu, bổ sung các chính sách và mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp sau tái cơ cấu.

Về tình hình thoái vốn đầu tư vào năm lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư): Trong giai đoạn 2014 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Năm 2014, thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng; Lũy kế từ đầu năm đến 20/10/2015, đã thoái vốn được 4.460 tỷ đồng, thu về 4.113 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 20/10/2015, đã thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán cho 93 doanh nghiệp với tổng số 318.595.743 cổ phiếu bán được, đạt 38% số lượng cổ phần chào bán.

Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020

Quan điểm tái cấu trúc DNNN giai đoạn 2016 - 2020: Bám sát các quan điểm chỉ đạo về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã được chỉ ra tại Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, đồng thời căn cứ theo Luật Quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp, cụ thể là:

DNNN tiếp tục là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức và hoạt động của DNNN phải tuân theo những quy luật khách quan của kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước và chịu sự chi phối, giám sát toàn diện của chủ sở hữu là Nhà nước.

DNNN phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả để có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng phù hợp với thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; phù hợp chiến lược phát triển công nghiệp; có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những DNNN có lợi thế do Nhà nước giao, có ưu thế độc quyền tự nhiên phải được quản lý theo cơ chế phù hợp để đảm bảo điều kiện kinh doanh công bằng với các doanh nghiệp trong các khu vực kinh tế khác; tạo ra tính cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài (hình thành các doanh nghiệp đủ lớn để cạnh tranh trên thị trường, làm đầu tàu hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN; đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong DNNN.

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc từng phần tập trung vào tái cấu trúc tài chính và quản trị doanh nghiệp; tái cấu trúc phải gắn với CPH và tăng cường năng lực cạnh tranh, đảm bảo các nguyên tắc thị trường; phải rà soát tổng thể, xác định rõ mục tiêu, tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, ổn định kinh tế - xã hội…

Giải pháp thực hiện: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đối với DNNN theo lộ trình: (i) Về cơ chế chính sách quản lý DNNN giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát theo hướng tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng của chủ sở hữu; hoàn thiện các nội dung về quyền của chủ sở hữu và quy định rõ trách nhiệm của đối tượng được giao nhiệm vụ thực hiện quyền của chủ sở hữu, trách nhiệm của người đại diện; (ii) Về sắp xếp, đổi mới DNNN: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong CPH, xác định giá trị doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn ngoài ngành, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp không cần nắm giữ; triển khai thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn, theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Tiếp tục tiến hành thực hiện CPH trong năm 2016 các doanh nghiệp chưa CPH năm 2015 và rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần CPH, thoái vốn nhà nước, xây dựng phương án tổng thể thoái vốn trong từng lĩnh vực; xây dựng lộ trình triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới theo hướng phù hợp với yêu cầu thực tế về tái cấu trúc nền kinh tế và chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị, nâng cao năng lực quản trị DNNN theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN nhằm đảm bảo tiến độ hiệu quả./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

Số lượt xem:521

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1919483 Tổng số người truy cập: 3268 Số người online:
TNC Phát triển: