banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Tiếp tục phát triển thị trường tài chính an toàn, bền vững, minh bạch
25-12-2014

 Tổng giá trị huy động vốn thông qua phát hành TPCP tăng mạnh

Mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, các cấu phần của thị trường tài chính vẫn có sự phát triển so với năm 2013, tổng giá trị huy động vốn thông qua kênh phát hành TPCP tăng 29% so với năm 2013, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay; tổng  giá trị huy động vốn qua TTCK đạt 237 nghìn tỷ đồng tương đương 5,9 %GDP, tăng 6% so với năm 2013, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định với tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 14,2% so với năm 2013. Công tác quản lý, giám sát hoạt động của TTCK, vấn đề công bố thông tin, quản trị công ty niêm yết tiếp tục được củng cố qua đó thúc đẩy thị trường hoạt động công khai, minh bạch.

Về cơ chế, chính sách: Hệ thống văn bản, cơ chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thị trường đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát TTCK.  Đến cuối tháng 12/2014, có 673 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 425.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2013. Giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 31,48% GDP. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2014 có cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2013, có 87% công ty niêm yết hoạt động có lãi, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013; tổng lợi nhuận sau thuế của toàn bộ công ty niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 6,1%. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,37 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2013. Trong 11 tháng đầu năm 2014, dòng vốn nước ngoài vào thuần đạt 9,3 triệu USD so với dòng vốn vào thuần âm (-11,4 triệu USD) năm 2013. Giá trị giao dịch bình quân của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 2.969 tỷ đồng/phiên tăng 116% so với năm 2013. Giá trị giao dịch bình quân của trái phiếu là 2.531 tỷ đồng/phiên tăng 93% so với năm 2013.

Về chủ thể tham gia thị trường: Tính đến cuối năm 2014 có 43 công ty quản lý quỹ (trong đó 21 văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài), 85 công ty chứng khoán, 26 quỹ đầu tư hoạt động trên TTCK; tổng giá trị huy động của các quỹ đầu tư chứng khoán năm 2014 đạt hơn 7.000 tỷ đồng; tổng giá trị danh mục quản lý của các công ty quản lý quỹ đạt 4,4 tỷ USD. Các công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ, Quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường đã thực hiện hầu hết các dịch vụ được Luật Chứng khoán cho phép.

Trong năm 2014, hoạt động tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán được thực hiện theo lộ trình, không làm xáo trộn thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật. Thông qua tái cấu trúc đã giảm số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, số lượng công ty chứng khoán giảm từ 105 xuống 85 công ty, số lượng công ty quản lý quỹ giảm từ 49 xuống 43 công ty; thay thế các quỹ đầu tư hoạt động theo dạng quỹ đóng, quỹ thành viên bằng các quỹ mở hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. 

Hoạt động thị trường trái phiếu: Kết quả tích cực

Năm 2014 mặc dù thị trường trái phiếu có nhiều biến động, tuy nhiên với sự điều hành linh hoạt theo sát diễn biến thực tế của thị trường,  hoạt động của thị trường trái phiếu đã đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn, từng bước phối hợp nhịp nhàng với điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và làm cơ sở cho các hoạt động huy động vốn trong giai đoạn hiện nay. 

Năm 2014, tổng số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu (gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp) là 288.722 tỷ đồng, bằng 7,27% GDP năm 2014. Trong đó riêng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2014 đạt 234.067 tỷ đồng, tăng 30% so với khối lượng huy động năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2010. Khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 17.555 tỷ đồng, trái phiếu chính quyền địa phương là 7.400 tỷ đồng. Khối lượng huy động trái phiếu doanh nghiệp là 26.722 tỷ đồng. Từ đó đã góp phần thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán NSNN năm 2014 và đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.

Điểm đáng ghi nhận là kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đã được kéo dài so với các năm trước. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt 4,95 năm (tăng 1,74 năm so với năm 2013), trong đó trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 47% tổng khối lượng phát hành năm 2014. Kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu do NHPT phát hành là 3,36 năm (tăng 0,53 năm so với năm 2013) và do NHCSXH phát hành là 3,70 năm (tăng 0,71 năm so với năm 2013). Trong khi đó, so với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất thị trường trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2014 giảm khoảng 1,30%-3,70% đối với các kỳ hạn, phù hợp với điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN.

Trên thị trường trái phiếu đã hình thành hệ thống các nhà tạo lập thị trường hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động huy động vốn trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Năm 2014, giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã tăng khoảng 2 lần so với năm 2013, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu.

Thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn có hiệu quả cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đã quan tâm lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh.  

Năm 2014, thị trường bảo hiểm đạt được những kết quả tích cực, các doanh nghiệp bảo hiểm  duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, năng lực tài chính ổn định, phát triển được các sản phầm bảo hiểm mới. Thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng so với các năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2014 dự kiến đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013. Tại thời điểm cuối năm 2014, tổng tài sản đạt 154.222 tỷ đồng tăng 15,2% so với năm 2013; trong đó đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 131.371 tỷ đồng tăng 15,6% so với năm 2013. Cũng trong năm 2014, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiểm hơn 18.552 tỷ đồng tăng 4,1% so với năm 2013, trong đó, đã kịp thời xử lý bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh do một số phần tử quá khích lợi dụng việc công nhân biểu tình phản đối liên quan đến sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để phá hoại tài sản một số doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định kinh tế xã hội.

Các DNBH tiếp tục được cấu trúc theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó các DNBH đã được củng cố năng lực tài chính, tăng cường mức độ an toàn tài chính và hiệu quả đầu tư. Đến nay, thị trường bảo hiểm có 61 doanh nghiệp bảo hiểm gồm 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm với tổng vốn chủ sở hữu gần 40.982 tỷ đồng tăng 11,4% so với năm 2013.

Trong hoạt động kinh doanh, ngoài việc chú trọng các dịch vụ truyền thống, doanh nghiệp bảo hiểm đã đẩy mạnh khai thác tại các mảng thị trường  tiềm năng, phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm bảo lãnh. Riêng đối với bảo hiểm nông nghiệp, sau 3 năm thí điểm thực hiện, số hộ tham gia bảo hiểm là 304.017 hộ với tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 707,4 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng phương án mở rộng bảo hiểm nông nghiệp theo hướng mở rộng và triển khai bảo hiểm cây lúa và bảo hiểm gia súc.

Phát triển thị trường tài chính thành kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả

Hệ thống các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được ban hành đầy đủ, đồng bộ từ cấp Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán được ban hành kịp thời, phù hợp với thông lệ quốc tế tạo thuận lợi cho hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển. Hoạt động kế toán, kiểm toán đã xác định được vị trí trong nền kinh tế và góp phần quan trọng trong việc làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư và nền tài chính quốc gia. Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, chế độ kế toán đối với công ty chứng khoán, Thông tư hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất; chuẩn bị ban hành thêm 10 chuẩn mực kiểm toán và đang nghiên cứu ban hành 26 chuẩn mực kế toán. Cùng với sự phát triển về số lượng công ty và quy mô hoạt động của từng công ty, các dịch vụ do các công ty kế toán, kiểm toán cung cấp đã không ngừng được đa dạng hoá. Mặc dù cá biệt còn có trường hợp chất lượng dịch vụ chưa cao, song về cơ bản dịch vụ này ngày càng được được khách hàng tín nhiệm, được xã hội thừa nhận. Trong đó, dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất; các dịch vụ tư vấn kế toán, kiểm toán đang dần tăng tỷ trọng doanh thu.

Xác định rõ tầm quan trọng của thị trường tài chính trong việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển. Do vậy, Bộ Tài chính xác định năm 2015 tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển thị trường tài chính an toàn, bền vững, minh bạch theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc vận hành theo các thông lệ quốc tế, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế, phấn đấu đưa thị trường tài chính trở thành kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Phát triển mạnh các kênh cung cấp vốn cả trong và ngoài nước cho thị trường tài chính; mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức; phát triển đầy đủ các định chế trung gian; đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức trung gian hoạt động trên thị trường đảm bảo có đầy đủ các yếu tố cấu thành một thị trường tài chính phát triển trong khu vực.

Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá; hài hòa giữa mục tiêu huy động vốn cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững thị trường tài chính với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

Số lượt xem:509

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2007684 Tổng số người truy cập: 2189 Số người online:
TNC Phát triển: