banner
Thứ 3, ngày 24 tháng 12 năm 2024
“Ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2020”
8-7-2020

 Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Về phía Bộ Tài chính có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, các đồng chí Thứ trưởng cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

Điều hành chính sách tài khóa, chủ động ứng phó với dịch bệnh

Mở đầu Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã báo cáo về công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2020. Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động rất lớn. Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái; các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề; các nền kinh tế lớn và nhiều nước trong khu vực ASEAN được dự báo tăng trưởng âm ở mức sâu.

image

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng 6 tháng ở mức +1,81%, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước vẫn duy trì được hệ số tín nhiệm quốc gia, trong khi đã có trên 90 nước bị hạ bậc tín nhiệm hoặc điều chỉnh triển vọng. Đây có thể coi là một thành công nổi bật, đáng ghi nhận.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp tài khoá ứng phó với đại dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã trình miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất chịu tác động lớn của dịch bệnh; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có doanh thu chịu thuế không quá 200 tỷ đồng; tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN cho người nộp thuế, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

image

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị

Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cùng một số bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19; xây dựng cơ chế đảm bảo kinh phí và thu xếp bố trí nguồn NSTW để thực hiện.

Tuy nhiên, với một nền kinh tế hội nhập sâu, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế, nên mặc dù đã sớm kiểm soát được dịch ở trong nước với quy mô nhỏ, nhưng tác động của đại dịch đến nền kinh tế nước ta cũng rất nặng nề. Sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ở mức thấp, giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khoá nhằm phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN và việc triển khai các nhiệm vụ tài chính 6 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.

Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó: thu nội địa đạt 44,1% dự toán, giảm 7,1%; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,1% dự toán, giảm 22,3% so với cùng kỳ 2019.

Tổng chi NSNN tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Nhìn chung, công tác điều hành chi NSNN thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.

Đến nay NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó: chi cho công tác phòng chống dịch là 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.

NSTW cũng đã chi 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...). Bên cạnh đó, đã xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.

Về giải ngân vốn đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 33,1% dự toán (trong đó: NSTW đạt 28,6%; NSĐP đạt 30,7%), có khá hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 28,56%). Tuy nhiên, nếu so với tổng vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 (bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang) thì mới đạt xấp xỉ 29% dự toán; riêng giải ngân vốn ngoài nước mới đạt 10,2% dự toán năm 2020.

Trong tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư từ tiền kiểm sang hậu kiểm, rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn tối đa 4 ngày, đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy giải ngân vốn; tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ và địa phương sơ kết tình hình thực hiện giải ngân các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài 6 tháng đầu năm; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020.

Cân đối NSTW và ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo. Bộ Tài chính đã chủ động phát hành 96,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,01 năm, lãi suất bình quân 2,99%/năm, thấp hơn vay ưu đãi nước ngoài, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi. Đồng thời, đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước. Công tác trả nợ được tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Triển khai các giải pháp tăng cường bình ổn giá và các giải pháp hỗ trợ thị trường tài chính

Báo cáo tại Hội nghị về các mặt công tác khác của Bộ Tài chính trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, về công tác quản lý giá, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương kiểm tra chấp hành pháp luật về giá (nhất là các mặt hàng vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19,...), kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm; kiến nghị các địa phương tăng cường quản lý giá cả, bình ổn thị trường trên địa bàn. Qua đó góp phần đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước, bình quân 6 tháng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với thị trường chứng khoán, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ thị trường, như: giảm giá và miễn hoàn toàn không thu phí đối với một số dịch vụ chứng khoán; cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 24 giờ; tiếp tục cơ cấu lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường. Đến hết tháng 6, chỉ số Vn-INDEX giảm 14,1%, quy mô thị trường giảm 11,2% so với cuối năm 2019.

image

Toàn cảnh Hội nghị

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh do tác động của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng, xung đột địa chính trị, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị tác động. Tuy nhiên, mức biến động là không lớn, không tạo ra các đợt rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài; thị trường sớm ổn định và phục hồi ngay khi tình hình dịch trong nước được kiểm soát, chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

Đối với thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 16,3%; tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tăng 20,2%; đầu tư của các doanh nghiệp trở lại nền kinh tế tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tăng cường ứng dụng CNTT, tinh gọn bộ máy

Công tác cải cách hành chính cũng được Bộ Tài chính tăng cường thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã triển khai 103 trên tổng số 180 nhiệm vụ/hoạt động cải cách hành chính năm 2020; rà soát, bãi bỏ 28 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 35 thủ tục và ban hành mới 30 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, công sản, kế toán, kiểm toán và thực hiện công khai, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung 129 chế độ báo cáo định kỳ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện báo cáo; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.

Trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, đến nay Bộ Tài chính đã vận hành, kết nối phần mềm quản lý văn bản (eDocTC) để gửi, nhận văn bản thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia với 95 cơ quan, đơn vị.

Đến hết tháng 6/2020, tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 951, trong đó đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 560 thủ tục (đạt tỷ lệ 59%). Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã thực hiện là 351 thủ tục, đạt tỷ lệ 37%, vượt mục tiêu 30% đặt ra theo Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử. Dự kiến đến hết năm 2020 tăng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của Bộ Tài chính từ 560 lên 634 dịch vụ (đạt 67%).

Báo cáo cũng cho biết, hiện nay đã có 99,6% số doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử; 99,1% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 96,8% số hồ sơ được hoàn thuế điện tử. Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan; đã có 13/14 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, với 198 thủ tục hành chính.

Về tổ chức bộ máy, thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã cắt giảm 89 đầu mối cấp phòng thuộc cơ quan thuế; giải thể 06 kho bạc Nhà nước cấp huyện. Tính chung từ năm 2018 đến nay, đã rà soát, sắp xếp, cắt giảm được 2.985 đầu mối hành chính, giảm 2.044 công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên; giảm 09 đơn vị sự nghiệp công lập (từ 36 xuống còn 27 đơn vị). Quá trình sắp xếp bộ máy, cắt giảm đầu mối cơ bản diễn ra suôn sẻ, các nhiệm vụ chính trị được diễn ra thông suốt, không gây ách tắc, cản trở.

Quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm năm 2020

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng trình bày báo cáo kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng cho biết, trong những tháng còn lại, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam, bên cạnh đó, thiên tai mưa bão và các dịch bệnh khác cũng có thể tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

image

Đại diện địa phương đóng góp ý kiến tham luận tại Hội nghị

Để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính – NSNN, Bộ Tài chính đưa ra 10 nhóm giải pháp, trong đó đề nghị các bộ, ngành và địa phương quan tâm phối hợp, chỉ đạo thực hiện các giải pháp quan trọng chủ yếu như: Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ đã ban hành; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế; Thứ hai, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, tập trung xử lý kịp thời hồ sơ giãn thuế và tiền thuê đất theo quy định, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh; Thứ ba, điều hành chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao; phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang); tập trung thực hiện rà soát, sắp xếp, lồng ghép các nhiệm vụ chi để cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết…

Bộ Tài chính tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ công chức toàn ngành Tài chính, Bộ Tài chính sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2020 ở mức cao nhất, góp phần hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Theo https://mof.gov.vn/.

Số lượt xem:792

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1979773 Tổng số người truy cập: 4191 Số người online:
TNC Phát triển: