banner
Thứ 2, ngày 13 tháng 1 năm 2025
Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động cải cách thủ tục hành chính
14-5-2015

 Việc Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2015-2016 sẽ giúp các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ phải thực hiện; trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cá nhân, đơn vị đồng thời giúp việc triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính được đồng bộ và thống nhất, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kế hoạch hành động tập trung vào các nhiệm vụ sau: hoàn thiện thể chế vận hành thị trường tài chính, dịch vụ tài chính, chứng khoán; tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước; cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Cụ thể:
Một là,rút ngắn thời gian nộp thuế đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của các nước ASEAN-6 còn không quá 121,5 giờ/năm;
Phấn đấu đến hết năm 2016 thời gian thực hiện thủ tục về thuế đối với doanh nghiệp, thời gian hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) được rút ngắn xuống còn dưới 119 giờ/năm và đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4 đối với 03 nhóm chỉ tiêu mới: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.
Hai là, rút ngắn thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu;
Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật và thực thi công vụ, giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, người dân. Đến hết năm 2016, giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ Tài chính đã xây dựng Kế hoạch hành động với nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Đối với lĩnh vực thuế: Rà soát giảm tối thiểu 10% số TTHC thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC thuế theo hướng: giảm số chứng từ trong hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế; sửa đổi 100% quy trình liên quan đến kê khai, nộp thuế của người nộp thuế theo nội dung cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trước 30/6/2015.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90% trước 30/9/2015.
Ban hành quy định về chế độ quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra về thuế trước 30/6/2015 và quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp trước 30/9/2015.
Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp độ 4 (tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế và trả kết quả hoàn thuế bằng phương thức điện tử qua mạng) tối thiểu đạt 60% tờ khai và số tiền hoàn thuế trước 30/9/2015 và đạt 95% vào trước 30/9/2016.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, khiếu nại thuế bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế đúng thời gian quy định và 90% hồ sơ khiếu nại thuế được giải quyết đúng thời gian quy định.
Ban hành quy định hướng dẫn thực hiện việc tổ chức tư vấn với thành phần gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, địa diện hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để tư vấn cho cơ quan thuế khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung các quy định đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề đại lý thuế nhằm phát triển hệ thống đại lý thuế ở Việt Nam, giúp doanh nghiệp thực hiện các TTHC thuế thông qua các đại lý thuế.
Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy chế thanh tra tại doanh nghiệp theo nguyên tắc không chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra; cho phép sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác quản lý thuế, hoàn thuế.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế tập trung thống nhất toàn quốc đối với doanh nghiệp trước 30/9/2015 và đối với hộ, cá nhân kinh doanh trước 30/9/2016.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp phần mềm, sản phẩm, dịch vụ phần mềm, giao dịch mua bán doanh nghiệp công nghệ thông tin để khuyến khích mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Đối với lĩnh vực hải quan, triển khai có hiệu quả Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan, trong đó đảm bảo Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) vận hành ổn định, bền vững, mở rộng thực hiện thanh toán điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, tiến tới kết nối cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục thực hiện phương thức quản lý rủi ro trên cơ sở phân loại doanh nghiệp, phân loại người khai hải quan
Phối hợp với các Bộ, ngành: Rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về quản lý hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành (cấp giấy phép xuất, nhập khẩu, kiểm dịch, kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng, dịch vụ xuất, nhập khẩu); Sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa; Đầu tư trang bị và nhân lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý; huy động xã hội hóa nguồn lực để thực hiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; Công khai hóa tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị thực hiện kiểm tra, thời gian và chi phí đối với từng mặt hàng cụ thể; Hướng dẫn việc công nhận, chứng nhận kiểm tra của những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng tập trung triển khai một số nhiệm vụ liên quan khác như đẩy mạnh đổi mới, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài chính, đặc biệt chú trọng trong công tác giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Hoàn thiện thể chế về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; phát triển các thị trường tài chính; quản lý giá theo cơ chế thị trường; … Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; Tăng cường kiểm tra việc thực hiện TTHC; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/
Số lượt xem:532

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2009387 Tổng số người truy cập: 2074 Số người online:
TNC Phát triển: