banner
Thứ 6, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Bộ Tài chính dẫn đầu về số lượng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
28-1-2019

 Lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp

Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Tài chính là 987 thủ tục. Trong đó, số lượng TTHC mức độ 1 là 127, số lượng TTHC mức độ 2 là 404, số lượng TTHC mức độ 3 là 163 và số lượng TTHC mức độ 4 là 293. So với năm 2017, tổng số DVCTT mức độ 3, 4 của ngành Tài chính đã từ 331 lên 456 dịch vụ.

Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế là 2 đơn vị có số lượng DVCTT mức độ 4 và số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến nhiều nhất. Ngoài ra, DVCTT cấp mã số quan hệ ngân sách, DVCTT lĩnh vực quản lý giá và DVCTT của KBNN cũng được người dân khai thác sử dụng hiệu quả.

Untitled.png

Ngành Tài chính đã thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, trong đó cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế. Ngành Tài chính cũng tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng.

Bên cạnh đó, hệ thống Hải quan điện tử tiếp tục được hoàn thiện nâng cao hiệu quả, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN. Ngành Tài chính cũng phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan. Các dịch vụ công điện tử phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua mạng cũng được Kho bạc Nhà nước xây dựng, triển khai.

Có thể thấy, hệ thống DVCTT của cơ quan Bộ Tài chính đã cung cấp các tính năng, chức năng để phục vụ đa dạng các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Bộ và tạo lập các cơ sở dữ liệu cơ bản về thông tin liên quan đến các dịch vụ công của Bộ Tài chính. Nhờ đó, các cá nhân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ công ngành Tài chính được thuận tiện, giảm thiểu chi phí, thời gian và công sức. Mặt khác, hệ thống cũng hỗ trợ các cán bộ trong ngành tài chính làm công tác quản lý, xử lý các quy trình thủ tục của dịch vụ công được thuận lợi, hiệu quả, giảm bớt các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các cá nhân tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ công.

Với những kết quả đạt được, DVCTT của ngành Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao. Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, Bộ Tài chính xếp thứ nhất trong các Bộ và cơ quan ngang Bộ về số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 với 331 dịch vụ và số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến với trên 29 triệu hồ sơ. Bộ Tài chính cũng xếp thứ 2 về DVCTT trong bảng xếp hạng ICT Index 2017. Trong năm 2018, Bộ Tài chính được vinh danh đứng đầu khối các bộ, ngành ứng dụng CNTT trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Lễ Công bố Đơn vị phát triển Chính phủ điện tử tiêu biểu năm 2017” được tổ chức bởi Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì phối hợp với Công ty IDG Việt Nam.

Tăng DVCTT mức độ 4, lấy người dùng làm trung tâm

Nhằm thực hiện hiệu quả DVCTT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, ngày 28/8/2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban và trực tiếp chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính là một trong các thành viên của Ủy ban. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách và Quyết định số 446/2018/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ.

Theo đó, việc triển khai xây dựng DVCTT mức độ 3, 4 ngành Tài chính sẽ lấy mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp lên trước nhất, và đảm bảo mức độ hiệu quả trong việc xây dựng và sử dụng. Khi xây dựng các DVCTT, người dùng sẽ được đặt làm trung tâm để đáp ứng các yêu cầu: dễ dàng tìm kiếm dịch vụ, có hướng dẫn sử dụng dịch vụ chi tiết, có chức năng đánh giá sự hài lòng của người sử dụng... Bộ Tài chính cũng sẽ xây dựng hệ thống thông tin một cửa điện tử để đảm bảo khả năng kết nối chia sẻ thông tin giữa hệ thống thông tin với Cổng DVC Quốc gia trong việc thực hiện thực hiện TTHC.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, ngày 21/11/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2204/QĐ-BTC ban hành Danh mục DVCTT mức độ 3,4 ngành Tài chính sẽ triển khai trong giai đoạn 2018-2019, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2019, Bộ Tài chính sẽ nâng cấp 93 DVCTT mức độ 3 đã triển khai lên mức độ 4. Đồng thời xây dựng mới 195 dịch vụ công mức độ 3, 4.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai DVCTT mức độ 3, 4 vào giải quyết TTHC là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Tài chính thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa hành chính, cắt giảm thời gian, chi phí trong thực hiện, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, giúp quá trình kiểm soát và xử lý hồ sơ được công khai, minh bạch. Qua đó góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, liêm chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 của ngành Tài chính.

Số lượt xem:1096

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1982462 Tổng số người truy cập: 880 Số người online:
TNC Phát triển: