banner
Thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI
24-9-2020

 

 

Quang cảnh Đại hội

 

Dự Đại hội, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Hà Ban - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trần Quốc Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo của các cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương; lãnh đạo các Vụ của các Ban Đảng Trung ương.

 

Các đại biểu tham dự Đại hội

 

Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XV; A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Ủy viên BTV Tỉnh ủy; 346 đại biểu của 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, đại diện cho hơn 29 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh.

 

Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy khóa XV phát biểu khai mạc Đại hội

 

Phát biểu Khai mạc Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh, thành công của Đại hội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong những năm tới; đồng thời, góp phần vào sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đại hội phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ để đánh giá đúng thực trạng tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh; làm rõ những thành tựu đạt được, chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân đối với những thành tựu và khuyết điểm, rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ; đi sâu phân tích một cách thấu đáo những tiềm năng, lợi thế của tỉnh và dự báo đầy đủ những khó khăn, thách thức trong 5 năm tới, trên cơ sở đó xác định được những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá, nhằm phát huy cao độ những thành tựu đạt được, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, bảo đảm lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội đề ra.

 

Đồng chí bày tỏ tin tưởng trong nhiệm kỳ tới, với rất nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời, có hiệu quả của Trung ương; với truyền thống cách mạng kiên cường và ý chí quyết tâm nỗ lực vượt khó vươn lên của Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, Kon Tum sẽ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy,

Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội

 

Theo Báo cáo chính trị do đồng Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại Đại hội: Nhiệm kỳ qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên.

 

Cụ thể, đến cuối nhiệm, có 25/30 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đề ra (trong đó có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu) đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hằng năm luôn duy trì ở mức khá. Đến cuối năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 25.851 tỷ đồng, tăng gần 75% so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,13%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).

 

GRDP bình quân đầu người tăng từ 1.406 USD năm 2015 lên 2.025 USD (khoảng 46,57 triệu đồng) vào cuối năm 2020 (tăng 45%); thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khoảng 31,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước đến năm 2020 đạt 3.505 tỷ đồng (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).

 

Các lĩnh vực đột phá như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai. Một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được triển khai, đến nay đã có 35 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh 03, 04 sao. Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, trồng mới, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Hiện toàn tỉnh đã phát triển được 1.531 ha dược liệu, trong đó có 630 ha sâm Ngọc Linh, 901 ha các dược liệu khác, sản lượng đạt khoảng 4.605 tấn. Độ che phủ rừng tăng lên 63%; Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, đến năm 2020 đạt 150 triệu USD, bình quân tăng 12,63%/năm

 

Giai đoạn 2016-2020 đã huy động được hơn 62.329 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Các dự án trọng điểm của tỉnh được đẩy mạnh thực hiện, nhất là hạ tầng giao thông; trong đó đã đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum; đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa một số tuyến và đoạn tuyến có nguy cơ mất an toàn cao như đèo Lò Xo, đèo Văn Rơi, đèo Măng Đen, Quốc lộ 24, 14C, 40B; triển khai xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum và đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24...

 

Đến năm 2020, có 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 89% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu Nghị quyết); có 3.123 doanh nghiệp, vốn đăng ký 35.259 tỷ đồng, tăng 916 doanh nghiệp, tăng 9.981 tỷ vốn so với năm 2015; chấp thuận chủ trương đầu tư 192 dự án, trong đó 184 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 20.610,7 tỷ đồng; kêu gọi được một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đến đầu tư tại tỉnh.

 

Hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến tích cực, ngoài các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan), tỉnh đã tăng cường mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng ASEAN, Châu Á và Châu Âu.

 

Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả một cửa cấp huyện, cấp xã được thành lập, đưa vào hoạt động, qua đó đã nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần lớn vào công tác thu hút đầu tư. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 5.853 đảng viên, đạt 117,06% chỉ tiêu Nghị quyết.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

 

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

 

Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được, tỉnh Kon Tum cũng cần nghiêm túc, thẳng thắn nhận thấy Kon Tum vẫn là một tỉnh nghèo so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Quy mô kinh tế còn nhỏ, kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có lúc, có nơi chưa tốt. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. An ninh nông thôn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; công tác phòng, chống tội phạm có mặt còn hạn chế.

 

Đồng chí lưu ý đây là những vấn đề quan trọng cần được Đại hội nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó xác định các giải pháp cụ thể, thiết thực để sớm khắc phục có hiệu quả trong nhiệm kỳ tới. Đồng chí nhấn mạnh thêm với Đại hội một số vấn đề để Đại hội nghiên cứu, thảo luận:

 

Thứ nhất, tập trung xác định một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững và phát triển kinh tế xanh. Khai thác hiệu quả lợi thế về kinh tế rừng, đất rừng, đất nông nghiệp để phát triển, hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, như các loại cây ăn quả, cây dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh gắn với nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới và xây dựng chuỗi liên kết giá trị với các doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

 

Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ, nhằm tạo thu nhập, sinh kế cho người dân sống gần rừng. Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường; đẩy mạnh trồng rừng, gắn với phát triển lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao độ che phủ rừng, góp phần thúc đẩy phục hồi hệ sinh thái rừng bền vững ở Tây Nguyên.

 

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển khu, cụm công nghiệp, hình thành các khu đô thị công nghiệp, đô thị sinh thái; phát triển năng lượng tái tạo. Rà soát, quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; trong đó, rà soát, từng bước thu hồi một số diện tích trồng cây công nghiệp để tạo quỹ đất phát triển kinh tế- xã hội, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các tỉnh Nam Lào, Đông bắc Camphuchia, trong đó phát huy vai trò của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong việc thúc đẩy thương mại qua biên giới. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; xây dựng và hình thành các khu du lịch, du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen trở thành điểm đến lý tưởng, đúng như kỳ vọng của Trung ương và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

Hai là, tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, y tế; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển y tế, giáo dục ngoài công lập; tạo bước chuyển rõ nét hơn về chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được Quốc hội thông qua, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Có biện pháp căn cơ, lâu dài nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tổ chức lại sản xuất, tập trung nâng cao trình độ canh tác, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Ba là, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Chú trọng công tác nắm, dự báo, đánh giá tình hình, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý có hiệu quả các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh trật tự ngay từ ở cơ sở; nhất là phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường đảm bảo an ninh biên giới, đấu tranh, xử lý có hiệu quả các hành vi xâm phạm đến chủ quyền biên giới quốc gia, các hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm qua biên giới và các loại tội phạm trên khu vực biên giới. Thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân; tăng cường củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác truyền thống với các tỉnh của Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan.

 

Bốn là, phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII "về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các quy định về nêu gương. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu.

 

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tập trung xây dựng tổ chức bộ máy các cấp trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm.

 

Nhiệm vụ của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong 5 năm tới là hết sức nặng nề, Trung ương Đảng tin tưởng rằng với tinh thần cách mạng tiến công, với một cấp uỷ mới được Đại hội tín nhiệm, lựa chọn sẽ là một tập thể đoàn kết, giàu nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời cùng với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn; sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, các ngành và sự đồng thuận trong Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Kon Tum sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững - Đồng chí Nguyễn Văn Bình bày tỏ tin tưởng.

 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum diễn ra trong 3,5 ngày (22-25/9) tại Hội trường Ngọc Linh, thành phố Kon Tum./.

Theo https://kontum.gov.vn/

Số lượt xem:1129

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2025661 Tổng số người truy cập: 3596 Số người online:
TNC Phát triển: