Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum phát biểu tại buổi gặp mặt công chức, người lao động trong cơ quan
Quá trình hình thành, phát triển ngành Tài chính tỉnh Kon Tum
Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng 8, cả nước phấn khởi, Kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 02-9 (02/9/1945 - 02/9/2019); phấn đấu lập nhiều thành tích hướng tới Kỷ niệm 50 năm (1969-2019) thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2019 toàn ngành Tài chính quyết tâm vượt qua khó khăn, đoàn kết, thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2019), phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao năm 2019.
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ngành Tài chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập và làm nhiệm vụ phục vụ chính quyền cách mạng. Ngân quỹ quốc gia khánh kiệt, thù trong, giặc ngoài, vận mệnh của đất nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tâm trí sáng ngời và tài thao lược của Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên là Bác Phạm Văn Đồng sau này là Thủ tướng Chính phủ đã sáng kiến ra hàng loạt biện pháp được áp dụng và tất cả đều khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước và lòng tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng, khuyến khích tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, động viên mọi người góp của, góp công vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Tuần lễ Vàng, Quỹ Độc lập, Hũ gạo nuôi quân… được phát động và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.
Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc trong Tỉnh cũng đã hăng hái hưởng ứng “Tuần lễ Vàng” do Chính phủ kêu gọi để xây dựng Quỹ độc lập. Sau Tuần lễ Vàng là “Tuần lễ Đồng”, nhân dân đã quyên góp nhiều kim loại, như: sắt, thép, đồng, nhôm,… để chế tạo vũ khí. Vận động mỗi gia đình có “Hũ gạo nuôi quân” để đóng góp lương thực cung cấp cho bộ đội.
Thời kỳ chiến tranh trước năm 1975 trong điều kiện địa bàn bị chia cắt, chiến tranh diễn ra ác liệt. Thực hiện phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng Tây nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng thành căn cứ cách mạng, hoạt động tài chính lúc này chủ yếu tập trung vào việc vận động nhân dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng gia tự túc, huy động các khoản đóng góp của nhân dân, của đồng bào các dân tộc để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ cho chiến đấu. Hàng năm, nhân dân các dân tộc trong Tỉnh đã đóng góp cho ngân sách hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm ngàn gốc sắn, hàng chục vạn ngày công,… cung cấp phần lớn lương thực tại chỗ cho các đơn vị bộ đội hoạt động trên địa bàn và cứu đói, cho nhân dân một số vùng căn cứ, vùng giải phóng. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng xây dựng căn cứ hậu phương vững mạnh trong các cuộc kháng chiến tạo nên thắng lợi mùa Xuân lịch sử năm 1975 thống nhất đất nước.
Công chức, người lao động Sở Tài chính và các cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam” năm 2019 tại buổi gặp mặt
Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành Tài chính Việt Nam, Tài chính tỉnh Kon Tum cũng trải qua các thời kỳ lịch sử của 2 cuộc Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và Cách mạng Xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày thống nhất đất nước, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất, cùng cả nước xây dựng lại tỉnh Gia Lai - Kon Tum trong bối cảnh hết sức khó khăn, là một Tỉnh đất rộng người thưa, trình độ văn hóa, kinh tế, xã hội còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất nghèo nàn, lại gánh chịu hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh. Trong điều kiện tiền vốn, vật tư thiếu thốn, nguồn thu không đáng kể, thu chủ yếu từ thuế nông nghiệp, thu quốc doanh ở một số xí nghiệp, nông lâm trường…; thu không đủ chi, còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung ương; đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, tuy vậy ngành Tài chính đã tích cực xây dựng tổ chức, kiện toàn bộ máy, bước đầu vận hành cơ chế, chính sách tài chính thống nhất trong cả nước.
Ngày 12-8-1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, đã ban hành Nghị quyết thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; Việc thành lập lại tỉnh Kon Tum xuất phát từ yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên và nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Theo đó ngành Tài chính tỉnh Kon Tum được tái lập, tiếp tục được củng cố, kiện toàn và phát triển.
Trải qua các thời kỳ hình thành và phát triển, hệ thống Tài chính địa phương từng bước được tăng cường. Tiền thân là Ban Tài chính Đảng, Ban Kinh - Tài, Ban Tài - Mậu, Ban Tài - Mậu - Lương, Ban Tài chính trong thời kỳ chiến tranh. Đến nay, ngành Tài chính tỉnh Kon Tum đã có một hệ thống các cơ quan Tài chính gồm: Sở Tài chính (trước đây là Sở Tài chính - Vật giá), Thuế, Kho bạc, Hải quan và Chi cục dự trữ nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ quản lý của Ngành đã được tăng cường và bao quát tất cả các hoạt động quản lý, như: thu, chi ngân sách; quản lý đầu tư; quản lý giá; quản lý tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước; quản lý xuất nhập khẩu, thanh tra, kiểm tra.... Bộ máy tài chính địa phương được mở rộng từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong Ngành Tài chính từng bước đã lớn mạnh.
Cuối năm 1991, Sở Tài chính - Vật giá tỉnh Kon Tum được thành lập, nhân sự ban đầu chỉ có 17 người được tiếp nhận từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực để đi vào hoạt động; thành lập 7 phòng, ban chuyên môn: Tổ chức - Hành chính, Quản lý Ngân sách, Xây dựng cơ bản, Quản lý Công sản, Tài chính ngành, Ban Vật giá, Ban Thanh tra. Ngày 01-01-1995, tỉnh Kon Tum thành lập Cục Đầu tư Phát triển thuộc Tổng cục Đầu tư Phát triển trực thuộc Bộ Tài chính trên cơ sở tiếp nhận nhiệm vụ, chức năng quản lý của Phòng Xây dựng cơ bản. Cũng trong tháng 10 năm 1995, Cục Quản lý vốn và Tài sản nhà nước tại doanh nghiệp tỉnh Kon Tum được thành lập thuộc Tổng cục Quản lý vốn và Tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính trên cơ sở tiếp nhận nhiệm vụ, chức năng quản lý của Phòng Tài chính ngành.
Đến tháng 10-1999 Cục Quản lý vốn và Tài sản nhà nước tại doanh nghiệp tỉnh Kon Tum giải thể, Sở Tài chính tiếp nhận lại nhiệm vụ, chức năng quản lý về tài chính doanh nghiệp nhà nước và thành lập Phòng Doanh nghiệp (nay là Phòng Tài chính doanh nghiệp). Ngày 01-01-2000 Cục Đầu tư Phát triển tỉnh Kon Tum giải thể, Sở Tài chính tiếp nhận lại nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước về tài chính đầu tư và thành lập Phòng Đầu tư (nay là Phòng Tài chính đầu tư).
Lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Kon Tum chụp hình lưu niệm cùng với công chức, người lao động trong cơ quan và Quỹ Phát triển đất tỉnh
Qua quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp với tình hình mới; hiện nay Sở Tài chính tỉnh Kon Tum có 6 phòng chuyên môn: Văn phòng, Quản lý Ngân sách, Tài chính đầu tư, Quản lý Giá và Công sản, Tài chính doanh nghiệp, Thanh tra.
Cuối năm 2003, Sở Tài chính - Vật giá tỉnh Kon Tum được đổi tên thành Sở Tài chính tỉnh Kon Tum cho đến nay theo chủ trương chung của Thủ tướng Chính phủ.
Về thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn từ khi tái lập tỉnh Kon Tum (10/1991) đến năm 2018 liên tục tăng trưởng, điển hình là từ năm 2010 đến nay; tại thời điểm năm 1992 thu ngân sách gần 25 tỷ đồng, nhận trợ cấp 39 tỷ đồng thì đến năm 2010 thu ngân sách trên địa bàn trên 1.413 tỷ đồng tăng trên 56 lần năm 1992; đến năm 2015 thu ngân sách trên 1.724 tỷ đồng tăng khoảng 22% so với số thu ngân sách năm 2010. Năm 2018 thu ngân sách đạt trên 2.869 tỷ đồng, tăng khoảng 66% so với số thu ngân sách năm 2015 và tăng trên 2 lần số thu ngân sách năm 2010 (trong khoảng 9 năm, từ năm 2010-2018).
Tổng chi ngân sách địa phương năm 1992 trên 57 tỷ đồng, năm 2010 tổng chi trên 4.523 tỷ đồng, đến năm 2015 chi ngân sách trên 6.309 tỷ đồng, tăng gần 1,4 lần so với số chi ngân sách năm 2010. Đến năm 2018 chi ngân sách trên 6.413 tỷ đồng, tăng khoảng 1,6% so với năm 2015 và tăng trên 41% so với số chi ngân sách năm 2010. Trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm tỷ lệ bình quân trên 25% tổng chi ngân sách địa phương. Chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo chiếm bình quân 40% tổng chi thường xuyên.
Tiềm lực tài chính của địa phương ngày càng được cải thiện và phát triển, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương thời gian qua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - chính trị trên địa bàn, cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện đáng kể, giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết của xã hội.
Ghi nhận những kết quả đóng góp, thành tích đạt được trong công tác Tài chính - ngân sách, … từ khi tái lập lại Tỉnh đến nay, Sở Tài chính tỉnh Kon Tum đã vinh dự được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ... tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc, bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân của Sở Tài chính tỉnh Kon Tum hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được tặng bằng khen, danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, cấp ngành, cấp cơ sở.
Đến năm 2019, Bộ Tài chính đã tặng Huy chương, Kỷ niệm Chương “Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam” 09 đợt cho 118 cá nhân đã, đang công tác trong và ngoài ngành Tài chính có thành tích góp phần xây dựng và phát triển ngành Tài chính Việt Nam; đây là một trong những vinh dự lớn của các cá nhân được nhận Kỷ niệm chương của ngành Tài chính.
Đặc biệt, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Sở Tài chính tỉnh Kon Tum Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2010 đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định thành tựu đạt được nêu trên và bài học kinh nghiệm thực tiễn rút ra, đó là:
Trước hết là nhờ sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động, luôn phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được Bộ Tài chính - Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Tỉnh giao của tập thể ngành Tài chính địa phương.
Hàng năm, Sở Tài chính tỉnh Kon Tum luôn phát động các phong trào thi đua trong toàn cơ quan, như: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; phấn đấu hoàn thành công tác chuyên môn; thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí; đẩy mạnh cải cách hành chính….
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, xây dựng và phát triển ngành; tạo điều kiện và khuyến khích mọi thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh, phát triển theo đúng các quy định của Nhà nước. Thực hiện thu ngân sách theo phương châm “thu đúng, thu đủ”. Động viên nguồn thu; coi trọng phân phối, sử dụng nguồn lực có hiệu quả, chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, chi đúng mục đích, hiệu quả … dành nguồn lực hợp lý cho đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nguồn lực tài chính nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính. Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục thể thao, văn hóa và nhiều hoạt động mang tính xã hội khác theo đúng quy định của Nhà nước; khơi dậy, thu hút nhiều nguồn lực, tài trí trong dân, trong xã hội....
Lực lượng công chức, người lao động trong ngành Tài chính hôm nay đã tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ngành, chuẩn mực của các thế hệ lão thành, các thế hệ đi trước không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện và giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người làm công tác tài chính và đã góp phần quan trọng vào sự thành công của ngành Tài chính trong thời gian qua.
Chặng đường 74 năm đi qua đã chứng minh trong bất cứ hoàn cảnh, thử thách nào, dù khó khăn, gian khổ đến đâu ngành Tài chính cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Tài chính Việt Nam luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng, đất nước, luôn phấn đấu là ngành Tài chính của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, vì đất nước phục vụ.
Kết quả phát triển của ngành Tài chính thời gian qua thể hiện tinh thần đổi mới không ngừng, nỗ lực vượt lên chính mình trong công việc, sự đoàn kết, thống nhất, hăng hái thi đua, tích cực lao động và sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động ngành Tài chính. Đồng thời, cũng minh chứng cho sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối, chủ trương phát triển của Đảng và Nhà nước ta.
Về dự báo, định hướng thời gian tới:
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng năm 2019 trên 1.637 tỷ đồng, đạt khoảng 66% dự toán Hội đồng nhân dân Tỉnh giao; chi ngân sách 7 tháng năm 2019 trên 3.976 tỷ đồng, đạt khoảng 43,5% dự toán giao, trong đó chi đầu tư phát triển trên 1.498 tỷ đồng, đạt khoảng 48%.
Mục tiêu phấn đấu đạt được chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đến hết năm 2020 thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.500 tỷ đồng là một trong những thách thức rất lớn và nặng nề cho toàn ngành Tài chính của địa phương.
Dự báo từ nay đến năm 2020 nguồn thu ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên là Tỉnh có điểm xuất phát thấp, ngành công nghiệp phát triển chậm và chưa đáng kể, thu nhập chủ yếu trên địa bàn là từ sản phẩm của ngành nông nghiệp, như: cà phê, cao su, sắn, mía,…. các mặt hàng này hiện nay giá cả luôn biến động và ở mức thấp; một trong những nguồn thu ngân sách chủ yếu trên địa bàn phụ thuộc vào các nhà máy thủy điện, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất…. Trong khi đó, hiện tượng biến đổi khí hậu làm cho thời tiết mưa nắng, lũ lụt bất thường; hiện tượng nắng nóng, khô hạn kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, sản lượng điện của các nhà máy thủy điện; vị trí lợi thế về đắt địa của địa bàn chưa có sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Điều này đã tác động rất lớn đến các hoạt động tài chính ngân sách của địa phương, đến sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ khác trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đến hết năm 2020 thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.500 tỷ đồng; ngành Tài chính địa phương phải tiếp tục phát huy, kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu có tác động đến thu ngân sách địa phương, đề ra giải pháp phù hợp; chủ động phối hợp tốt với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (như Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019) để tìm kiếm cơ hội mới và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách bền vững hơn; bên cạnh đó tiếp tục triển khai có hiệu quả tái cơ cấu thu - chi ngân sách, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các ngành, lĩnh vực có lợi thế, xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư, cải thiện chỉ số cạnh tranh, khai thác quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái của địa phương… để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nguồn thu chiến lược, lâu dài, bền vững hơn cho ngân sách.
Nhân dịp này, đồng chí Giám đốc Sở cũng gửi lời chúc sức khỏe dồi dào tới các đồng chí và gia đình và tiếp tục động viên tất cả công chức, người lao động trong ngành Tài chính tỉnh Kon Tum phát huy những kết quả đạt được, chia sẻ và vượt qua khó khăn, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do lãnh đạo ngành Tài chính và cấp trên giao./.
TVT-VP