banner
Thứ 3, ngày 24 tháng 12 năm 2024
Chuyên đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong về Nêu cao tinh thần trách nhiệm
19-4-2016

  Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung nêu cao tinh thần trách nhiệm:

Theo Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là:

a) Tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm là khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất.

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy … là không có tinh thần trách nhiệm.

b) Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác.

Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Trong các bài nói, bài viết của mình Người nêu rất cụ thể về trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi nghề.
Thí dụ: người nấu bếp, luôn luôn lo làm cho cơm lành, canh ngọt, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà. Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh, bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

c) Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng

- Đảng và Chính phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, như thế là làm tròn trách nhiệm. Thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mọi người hiểu và thực hiện đúng chủ trương, đường lối.

d) Trái ngược với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi.

- Đối với cán bộ, đảng viên, công chức bệnh quan liêu dẫn tới chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền, không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Trong công việc thì chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn.

2.Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, Đảng viên trong Chi bộ

Thời gian qua cán bộ, Đảng viên trong Chi bộ sở Tài chính đã có nhiều nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, có sự cố gắng rèn ruyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và có tinh thần cầu tiến, nêu gương trong sinh hoạt đảng và công tác, góp phần xây dựng hình ảnh tốt trong đơn vị về phong cách phục vụ tốt cho tổ chức và cá nhân.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:

-Một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự đầu tư nghiên cứu vào công việc phải làm, phải hoàn thành, nên công việc tuy hoàn thành nhưng chất lượng còn hạn chế, thiếu sót.

-Một số cán bộ Đảng viên chưa chịu khó nghiên cứu để nắm vững chính sách, chế độ và quy trình nghiệp vụ nên khi triển khai công việc còn thiếu sót, bỏ ngỏ.

-Một số cán bộ, Đảng viên chưa xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thực thi công vụ, còn thụ động, làm việc theo kiểu sai đâu làm đó, thiếu chủ động, sáng tạo, thiếu tính khoa học và kế hoạch trong thực hiện công việc.

-Một số ít cán bộ, đảng viên chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của người cán bộ đảng viên nên chưa gắn trách nhiệm của mỉnh vào công việc, còn có biểu hiện ỷ lại, đùn đẩy, làm việc đến đâu hay đến đó, chưa vì lợi ích chung, tác phong lề lối làm việc còn lề mề cũng ảnh hưởng đến công việc.

-Một số cán bộ, đảng viên trong quản lý còn biểu hiện ở chỗ không sâu sát công việc, không kiểm tra, đôn đốc công việc, không hướng dẫn, không tham mưu đề xuất ý kiến để thực hiện nên dẫn đến một số công việc còn bị trễ nãi.

3.Phương hướng khắc phục về nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thời gian tới .

-Về trách nhiệm trong công tác.

Trên mỗi cương vị, vị trí công tác của từng cán bộ, Đảng viên trong Chi bộ cần vận dụng việc nêu cao tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng của Bác mà xác định rõ nhiệm vụ được giao, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình phải làm, phải hoàn thành với tinh thần tận tâm, tận lực, làm cho đến nơi, đến chốn, vượt qua mọi khó khăn. Trong thực thi nhiệm vụ được giao phải thể hiện trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm là mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với công việc được giao một cách tự giác, hướng tới mục tiêu chung là góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành. Trong thực thi công vụ, cán bộ, Đảng viên cần tránh tư tưởng làm việc qua loa, đại khái, làm việc cẩu thả, dễ làm, khó bỏ, làm cho xong nhưng chất lượng không đạt, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, thờ ơ, mặc ai nấy làm, không quan tâm phối hợp, nhắc việc, không hướng dẫn, giúp đỡ nhau trong công việc chung, không quan tâm đến lợi ích chung đó là không có tinh thần trách nhiệm.

Mỗi cán bộ Đảng viên phải tự giác đề ra kế hoạch công tác của mình hàng ngày để có sự chủ động trong tổ chức triển khai công việc một cách khoa học, phù hợp với tình hình để không bị ách tắc trở ngại, hoặc bị động, lúng túng, đồng thời gương mẫu chấp hành kỷ luật lao động, gương mẫu không đi làm muộn về sớm, không sử dụng thời giờ làm việc của nhà nước vào việc riêng, mỗi cán bộ đảng viên theo kế hoạch công tác bắt tay vào công việc, quyết tâm trong ngày phải hoàn thành kế hoạch đã đề ra

Cán bộ Đảng viên trong chi bộ Sở Tài chính phải nghiên cứu, am hiểu sâu về hệ thống chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực về quản lý Tài chính nhất là Luật Ngân sách Nhà nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, các quy trình, quy định nghiệp vụ quản lý của ngành và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của cấp mình để vận dụng trong thực thi nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng chính sách, đúng chế độ, đồng thời phải biết lắng nghe tiếp thu ý kiến phản ánh, đóng góp của các tổ chức, công dân trong thực hiện chế độ, chính sách để nghiên cứu, xem xét giải quyết hoặc kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách cho phù hợp làm được như thế là có tinh thần trách nhiệm và làm tròn nhiệm vụ được giao ./.

Chi tiết tại đây

Số lượt xem:2549

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Ra mắt Đoàn viên mới (15-4-2016)
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1979687 Tổng số người truy cập: 3738 Số người online:
TNC Phát triển: