banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Kế toán, kiểm toán chủ động trong việc ứng dụng CMCN 4.0
15-11-2018

 

C:\Users\tranthiphuonglan\Desktop\_HMT2783.JPG

Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán

? Xin ông cho biết, tình hình ứng dụng CMCN 4.0 đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán hiện nay trên thế giới diễn ra như thế nào?

Ông Vũ Đức Chính: Có thể thấy những thay đổi về ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực đã và đang diễn ra quanh ta. Đến khi nó xảy ra với quy mô lớn, thường xuyên, liên tục, chúng ta nhắc đến như một cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Rất nhiều các tổ chức đã nghiên cứu sự phát triển, cơ hội và thách thức đối với các lĩnh vực khác nhau trên thế giới. Ví dụ như mới đây, Hiệp hội kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA) công bố về kết quả nghiên cứu mới nhất mang tên “Cuộc đua thích ứng với sự thay đổi kinh nghiệm quốc tế kế toán, kiểm toán trong Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Nghiên cứu đề cập những cơ hội dành cho các chuyên gia kế toán kiểm toán tài chính – những người được xem đóng góp cốt lõi cho việc áp dụng các công nghệ mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Tuy nhiên, theo ACCA nếu các kế toán viên, kiểm toán viên không nắm lấy cơ hội này, họ có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ số thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

Nghiên cứu của ACCA cũng cảnh báo rằng, nếu không tận dụng được các cơ hội công nghệ thì các chuyên gia kế toán, kiểm toán tài chính sẽ bị loại bỏ khỏi quá trình ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp. Họ cần tư vấn đưa ra các quyết định theo thời gian thực (real time) và cân nhắc các công nghệ chủ chốt như Quá trình tự động hóa quy trình (Robotic Process Automation – RPA), Đám mây (Cloud), Phân tích (Analytics), Mạng xã hội (social media), An ninh mạng (Cybersecurity) và trí tuệ nhân tạo về tài chính (Artificial Intelligence) trong quá trình chuyển đổi chức năng tài chính kế toán kiểm toán.

Tôi lấy ví dụ, với trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đánh giá của ACCA, đây là lĩnh vực mới, nhiều người cho rằng họ sử dụng AI để theo xu hướng, trào lưu. Tuy nhiên, thực tế việc sử dung AI mang lại hiểu biết có giá trị tăng thêm giúp cho việc hình thành các giả định về định hướng cho tương lai. Chuỗi nhận thức tiến bộ, sử dụng các thuật toán máy móc tự học: Ví dụ nhập dữ liệu đầu vào vào các sổ kế toán của một công ty dẫn đến chuỗi nhận thức tiến bộ của máy dựa trên dữ liệu đã có và tự phân tích xu hướng về chi phí, doanh thu, tiền, v.v…

AI có thể cho phép phân tích rộng hơn và khả năng cải tiến việc xác định xu hướng theo thời gian khi các thuật toán máy móc tự học và nhiều dữ liệu hơn. Dữ liệu lớn hơn tạo ra nhiều thông tin đầu vào hơn về khách hàng, giá, cơ cấu chi phí; Cho phép các kế toán viên, kiểm toán viên có nhiều thông tin đầu vào yếu tố tạo ra giá trị tương lai cho công ty, hơn là chỉ dựa vào kết quả thực hiện được báo cáo trong quá khứ. Tôi cho rằng, AI có thể làm những công việc thủ công của kế toán, kiểm toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu, tuy nhiên với các công đoạn như phân tích, xử lý tình huống thì luôn cần có sự tham gia của con người. Có thể đánh giá, AI dù không thay thế được hoàn toàn con người nhưng nó đang làm thay đổi rất lớn đến môi trường, hoàn cảnh, hiệu quả của hoạt động kế toán, kiểm toán.

? Xin ông cho biết, thực trạng tiếp cận của kế toán, kiểm toán Việt Nam với CMCN 4.0 hiện nay như thế nào?

Ông Vũ Đức Chính: Có rất nhiều đánh giá khác nhau theo nhiều tiêu chí, phương pháp thực hiện của các tổ chức trong và ngoài nước. Tôi xin dẫn ra số liệu dựa trên kết quả khảo sát của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), có thể đánh giá ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán như sau:

Về mức độ quan tâm có hơn ½ Kiểm toán viên (KTV) quan tâm cao và chỉ hơn 10% KTV quan tâm đặc biệt. Điều đáng cảnh báo có đến 5% số người không và ít quan tâm đến CMCN 4.0 là gì? Đồng thời 1/3 KTV cho rằng CMCN 4.0 là vấn đề bình thường như mọi việc khác. Đa số các KTV không nhận thấy và thấy ít, rất ít bị tác động bởi CMCN 4.0 hoặc đón nhận việc này theo phản ứng “trung lập” xem vấn đề này là bình thường. Còn một số KTV khác chưa hiểu rõ về CMCN 4.0 sẽ tác động ra như thế nào đến lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán.

Về mức độ tác động, theo khảo sát có 67% các Doanh nghiệp kiểm toán (DNKiT), KTV cho rằng CMCN 4.0 đang và sẽ tác động lớn đến ngành nghề kế toán, kiểm toán; 5% nhận thức được CMCN 4.0 sẽ tác động làm biến đổi sâu sắc đến toàn ngành nghề trong tương lai không xa; Có đến 25% các DNKiT, KTV cho rằng CMCN 4.0 chỉ tác động bình thường như yếu tố khác hiện đang tác động đến công việc của họ (như cạnh tranh giá phí, các kỹ thuật kế toán – kiểm toán truyền thống, tuân thủ chuẩn mực, chính sách chế độ…); Có đến 3% cho rằng CMCN 4.0 rất ít tác động đến công việc mà họ đang thực hiện cung cấp cho khách hàng.

Qua số liệu đánh giá về việc tiếp cận CMCN 4.0 đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán, có thể thấy Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên, chính vì thế, ngành nghề kế toán kiểm toán cần phải chủ động thích ứng trong việc ứng dụng nền công nghệ này.

? Để phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới khi ứng dụng CMCN 4.0 ngành nghề kế toán, kiểm toán đã có những động thái gì?

Ông Vũ Đức Chính: Đối với ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã xây dựng Kế hoạch hành động về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - Ngân sách, trong đó có kế toán, kiểm toán. Mới đây, Cục quản lý giám sát kế toán, kiểm toán đã phối hợp với các hội nghề nghiệp quốc tế và trong nước (ACCA, ICAEW, VAA) tổ chức một số cuộc hội thảo về chủ đề liên quan. Ví dụ cuộc hội thảo “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Thời cơ và thách thức với kế toán kiểm toán” được diễn ra trong tháng 7/2018 vừa qua. Hội thảo đã đánh giá ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán kiểm toán trên toàn cầu, trong khu vực và ở Việt Nam. Thông qua Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi về thực tiễn và giải pháp quản lý về hoạt động kế toán, kiểm toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Qua đó, từ kinh nghiệm của thế giới, chúng tôi sẽ triển khai từng bước để ứng dụng CMCN 4.0 vào ngành nghề kế toán, kiểm toán Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung triển khai chiến lược phát triển Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các mục tiêu: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; Phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đảm bảo ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng và chất lượng, được thừa nhận của quốc tế; Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Có thể thấy, với cơ hội và thách thức hiện nay, cần quan tâm nghiên cứu xây dựng giải pháp để giải quyết các vần đề sau:

- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về kế toán, kiểm toán với các nội dung đổi mới về nguyên tắc, quy trình phù hợp và tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ thông tin;

- Nâng cao trình độ của đội ngũ chuyên gia kế toán, kiểm toán không chỉ về nghiệp vụ kế toán, kiểm toán mà còn về công nghệ thông tin;

- Tăng cường phát triển các ứng dụng một cách hiệu quả, phục vụ hoạt động kế toán, kiểm toán; phục vụ công tác kiểm tra giám sát tính tuân thủ pháp luật và các hoạt động dịch vụ về kế toán, kiểm toán;

- Phát triển hoạt động của các hội nghề nghiệp và quan hệ hợp tác quốc tế trong bối cảnh công nghệ đã làm cho hoạt động nghề nghiệp trên các khu vực địa lý gần nhau hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo http://www.mof.gov.vn

Số lượt xem:1823

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1474197 Tổng số người truy cập: 642 Số người online:
TNC Phát triển: