Tính đến cuối tháng 9 năm 2015, hệ thống Thanh tra Tài chính đã thực hiện 69.576 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện và kiến nghị thu hồi trên 9.163 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 2.390 tỷ đồng; đồng thời có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tài chính ngân sách. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước10.905 tỷ đồng (bao gồm các khoản thu từ kiến nghị năm trước).
Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 29 cuộc theo kế hoạch và 05 cuộc kiểm tra đột xuất tại 24 đơn vị theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Qua đó, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.764 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính 3.631 tỷ đồng (bao gồm cả số kiến nghị từ những năm trước).
Thông qua việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế, các đơn vị chức năng trong hệ thống thuế chủ yếu tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế; các tổ chức cá nhân có giao dịch đáng ngờ; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; đặc biệt tập trung thanh tra hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, các doanh nghiệp hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền; thanh tra công tác xử lý hóa đơn nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn nhằm trốn thuế, gian lận thuế. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với cơ quan địa phương thực hiện có hiệu quả công tác khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách trên địa bàn quản lý. Theo đó, toàn hệ thống đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 51.971 doanh nghiệp và kiểm tra 1.418.384 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 8.400 tỷ đồng. Số thuế đã nộp ngân sách nhà nước lên tới 6.012 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực hải quan, 9 tháng đầu năm 2015, toàn hệ thống đã triển khai thực hiện 31 cuộc thanh tra chuyên ngành số tiền kiến nghị truy thu là 37.669,3 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 268,6 triệu đồng; đã thu nộp ngân sách nhà nước 422,4 triệu đồng.Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm tra sau thông quan với 1.819 cuộc; quyết định truy thu 1.197 tỷ đồng (gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2014), đã thực thu vào ngân sách nhà nước (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước) 1.157 tỷ đồng. Về công tác điều tra chống buôn lậu, các đơn vị nghiệp vụ đã phối hợp phát hiện, bắt giữ 13.102 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 132 tỷ 808 triệu đồng; thu nộp ngân sách nhà nước đạt 99 tỷ 824 triệu đồng.
Tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và sẽ tác động không nhỏ đến nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước của ngành Tài chính. Bởi vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được thực hiện có hiệu quả gắn với các nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra trong những tháng cuối năm 2015 được Bộ Tài chính định hướng tập trung vào một số nội dung nhiệm vụ, cụ thể:
Tiếp tục tổ chức triển khai hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2015; bố trí đủ kinh phí, lực lượng để triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đồng thời đảm bảo bố trí đầy đủ lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Các tổ chức thanh tra chú trọng công tác khảo sát, nắm địa bàn, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính, hoàn thành việc xây dựng và trình phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 theo đúng thời gian quy định.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành theo Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2015 để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án nhân dân, Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế (hành vi gian lận để chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế...) và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.
Tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2015; chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tintrong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận.
Tiếp tục triển khai xây dựng các đề án, hoàn thiện các quy trình thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành Tài chính làm cơ sở và tài liệu phục vụ nghiên cứu và áp dụng thống nhất trong hoạt động thanh tra tài chính của toàn ngành.
Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục./.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.