Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục xu hướng tích cực
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tập trung bàn về tình hình KH-XH tháng 7 và 7 tháng đầu năm, cho ý kiến về một số dự án Luật. Trước những diễn biến về tình hình KT-XH trong thời gian qua, Chính phủ sẽ có Nghị quyết chuyên đề phục vụ chỉ đạo điều hành thời gian tới.
Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục xu hướng tích cực, lạm phát trong tầm kiểm soát. Công nghiệp trong tháng 7 phát triển khá; xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng, giữ được xuất siêu 1,26 tỷ USD; thu ngân sách đạt kết quả tốt, vượt xa so với cùng kỳ; trong tháng 7 có nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), trong đó các ngành, đoàn thể tập trung vận động nhân dân thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người có công; an ninh quốc phòng, ngoại giao được giữ vững. Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo, xử lý những vướng mắc khó khăn, tiếp tục xây dựng những nghị quyết, chủ chương, chỉ thị tháo gỡ vướng mắc cụ thể về thuế, hải quan,… trong đó sẽ ban hành một Nghị quyết để tăng cường tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên, mặc dù trong 7 tháng/2014, nền kinh tế cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên Chính phủ đánh giá nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng như hiện nay thì chưa vượt qua được sự trì trệ của nền kinh tế. Vì vậy cần phải có đột phá mới về cơ chế chính sách mới có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8%/năm 2014.
Toàn cảnh buổi họp báo
Không điều chỉnh các chỉ tiêu KT-XH
Về phương hướng sắp tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ quyết định không điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu về KT-XH. Theo đó cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt bằng giải pháp cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực, đồng thời phải nỗ lực cao độ thì GDP mới đạt 5,8%.
Căn cứ các cơ sở, điều kiện đã đạt được của 7 tháng đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận, bắt đầu từ tháng 8 phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, giải ngân các dự án đầu từ công, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Và cũng phải quan tâm tới tăng trưởng tín dụng, gắn liền với kiểm soát. Hiện nay, trong lĩnh vực ngân hàng, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì cũng có thể xảy ra vấn đề, mà điển hình là vừa qua đã khởi tố một số đối tượng trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho rằng nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là cần quan tâm tới cải cách hành chính. Muốn làm các việc nêu trên có hiệu quả thì các thành viên Chính phủ, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường, nâng cao trách nhiệm, theo hướng công khai minh bạch, có sự giám sát của quần chúng nhân dân. Chính phủ đã ban hành quy định siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đây không phải vấn đề mới nhưng phải tăng cường hơn, buộc các thành viên Chính phủ phải nâng cao trách nhiệm giải trình, thực hiện các hoạt động có giám sát.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, trong tháng 8 này, sẽ công bố chỉ số cải cách hành chính, tiến tới công bố chỉ số hài lòng trên một số lĩnh vực phục vụ nhân dân. Trên tinh thần đó, Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát để mỗi Bộ, ngành đều phải có trách nhiệm làm tròn nhiệm vụ, trong đó trước mắt tập trung vào lĩnh vực thuế, hải quan, để tạo chuyển biến mới, qua đó hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trả lời một số câu hỏi của các phóng viên
Một số giải đáp liên quan đến chính sách thuế
Liên quan đến vấn đề về việc áp thuế đối với mức trần của quảng cáo vẫn được giữ nguyên và lần này được mở rộng hơn, tức là không áp mức trần quảng cáo 15% cho các chi phí khuyến mại. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, để sửa nội dung này thì thẩm quyền là của Quốc hội vì trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mức khống chế 15% không chỉ áp với quảng cáo, mà còn bao gồm cả thiết bị, khánh tiết, khuyến mại, hội nghị, hỗ trợ chi khác... Do vậy để minh bạch chính sách, để đảm bảo đúng với tình hình thực tế hiện nay và trong các quy định, trong hội nhập đàm phán của chúng ta, Bộ Tài chính đã trình để Chính phủ có một nghị quyết, trong đó có nội dung là giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Quốc hội quy định chỉ khống chế 15% đối với chi quảng cáo thay vì một loạt các cái khoản chi khác.
Đối với câu hỏi về việc hiện nay, tại Kho bạc Nhà nước đang tồn 90.000 tỷ đồng trong khi rất nhiều dự án chậm tiến độ vì không thể giải ngân được vốn. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua số liệu tổng hợp của 7 tháng năm 2014, hiện đang có sự tồn ngân cao hơn mức bình thường khoảng 15-16%. Nguyên nhân chính là đà dự toán thu khá, 63,3% so với dự toán nhưng dự toán chi đạt 59%, trong đó chi đầu tư cũng đạt khoảng 57%. Thứ trưởng khẳng định đúng là có tồn ngân, và nguyên nhân cơ bản là các dự án đầu tư hiện nay giải ngân chậm. Qua thực hiện công tác giám sát, quản lý giải ngân, Bộ Tài chính cho rằng có một số nguyên nhân, đó là: (i) việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng chậm; (ii) thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, dự án, đấu thầu vẫn còn kéo dài so với thời gian quy định cũng như so với yêu cầu cải cách; (iii) do các sự kiện ngày 12-14/5 (công nhân một số địa phương biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) ảnh hưởng tới 14-15 dự án. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để khắc phục, đẩy nhanh giải ngân, đạt được dự toán năm, đưa tồn ngân về mức chấp nhận được.
Cũng tại cuộc họp báo, đã có nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến một số lĩnh vực như ngân hàng, giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn,… đã được đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành giải đáp cụ thể, góp phần định hướng dư luận về kết quả công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Nguồn http://www.mof.gov.vn/