Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hà Ban- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Mửi- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Hùng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kring Ba- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh; các huyện, thành phố; Văn phòng Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei và xã Ya Chim, thành phố Kon Tum.
Tỉnh Kon Tum có gần 480 ngàn người; trong đó DTTS chiếm trên 53% với 25 dân tộc anh em sinh sống (trong đó có 6 dân tộc bản địa). Toàn tỉnh còn 19,2% hộ nghèo; trong đó DTTS chiếm 92,5% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Về tình hình thực hiện các chính sách dân tộc: Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách cho vùng dân tộc và miền núi, trên cơ sở các chương trình, dự án, chính sách do Trung ương ban hành, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh việc triển khai các chính sách dân tộc một cách đồng bộ, qua đó đã góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao dân trí, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Về xây dựng Nông thôn mới: Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt và đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay có 01 xã được công nhận NTM, 05 xã đạt từ 11-18 tiêu chí, 52 xã đạt từ 5-10 tiêu chí còn lại đạt dưới 5 tiêu chí. Tỉnh phẩn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 20% (16 xã) số xã đạt chuẩn NTM. Năm 2020 có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM.
Về tinh hình dân di cư tự do: Từ năm 2005 đến nay, gần 06 ngàn hộ với trên 18 ngàn 500 khẩu đã di cư tự do đến Kon Tum. Giai đoạn 2006- 2010, tỉnh Kon Tum đã thực hiện đầu tư 4 dự án ổn định dân di cư tự do với kế hoạch bố trí ổn định 4.843 hộ. Đến nay đã sắp xếp ổn định cho 2.319 hộ với 9.657 khẩu; trong đó ổn định tại chỗ 2.275 hộ, tái định cư tập trung 44 hộ.
Về tình hình thiếu đất ở, đất sản xuất: Toàn tỉnh có 12.063 hộ thiếu đất ở và đất sản xuất với diện tích khoảng gần 3.700 ha; trong đó, ĐBDTTS thiếu đất ở là 3.119 hộ, thiếu đất sản xuất là 5.937 hộ. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum có kế hoạch thu hồi đất của các tổ chức, nông lâm trường sử dụng đất không hiệu quả để bố trí cho các hộ thiếu đất hoặc không có đất; Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy; Hướng dẫn người dân sử dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bền vững, đẩy mạnh ứng dụng các mô hình sản xuất hiệu quả; giãn dân nội vùng đến khu vực huyện mới Nam Sa Thầy.
Về tình hình bố trí tái định cư, định canh cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện: Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 87 công trình thủy điện. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường- xã hội, tỉnh Kon Tum đã loại bỏ 37 vị trí ra khỏi quy hoạch và 06 vị trí không đưa vào danh mục đầu tư. Trong quá trình triển khai, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đến việc bố trí tái định cư, định canh cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.
Về thực hiện công tác cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ: Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Kon Tum đã cử 626 học sinh đi đào tạo; trong đó học sinh DTTS 497 em nhưng chỉ có 472 em nhập học, còn lại là không nhập học và bỏ học giữa chừng. Tính đến nay, còn 124 em đã tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm. Tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên bố trí, sắp xếp công việc cho học sinh cử tuyển, học sinh DTTS theo nhiều kênh việc làm khác nhau. Đối với những học sinh tốt nghiệp ngành y (95 em), sẽ thực hiện tuyển dụng làm nhân viên y tế học đường tại các cơ sở giáo dục.
|
Đ/c Ksor Phước phát biểu chỉ đạo
|
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Ksor Phước biểu dương những thành tựu mà tỉnh Kon Tum đã đạt được, đặc biệt là công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng ĐBDTTS được tỉnh triển khai rất quyết liệt; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chăm lo đời sống cho bà con vùng DTTS được tỉnh chú trọng. Hiện bà con vùng ĐBDTTS của Kon Tum đã biết chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa- đây là 1 bước tiến vượt bậc.
Đề nghị, tỉnh Kon Tum trong thời gian tới cần đột phá trong sản xuất nông nghiệp, cần nghiên cứu đưa cây, con giống vào nuôi trồng cho phù hợp với tiềm tiềm năng, lợi thế của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cán bộ người DTTS cũng như người dân vùng DTTS cần phải khắc phục tư tưởng tự ti, ỷ lại. Chủ động cải tiến đổi mới, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn; đi tắt, đón đầu hình thành phương thức quản lý với cơ chế thị trường, kiềm chế lạm phát.
Đối với việc di dân tự do, phải tăng cường quản lý ở cơ sở. Cương quyết đưa dân ra khỏi vùng phòng hộ, vùng đặc dụng. Tăng cường kiểm tra từ tỉnh xuống cơ sở ngăn chặn kịp thời tình trạng sang nhượng đất đai trái phép và tình trạng “dẫn mối” cho người dân di cư tự do từ nơi khác tới.
Xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là kỹ năng của cán bộ cơ sở; quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở. Phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đề nghị tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân tộc trong tình hình mới. Phải làm tốt công tác điều tra thống kê nắm tình hình về vùng dân tộc để phát triển KT-XH. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân và xây dựng mô hình quản lý kinh tế thích ứng với sức phát triển của người sản xuất...
Trước đó, đoàn đã đi thăm và làm việc tại xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) và xã Ya Chim (thành phố Kon Tum) về các vấn đề trên.
Nguồn http://www.kontum.gov.vn/