Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại; đại diện 20 tỉnh, thành phố báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 trong 9 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 đã tăng 3,14% so với tháng 8 nhưng vẫn thấp do chưa có khối lượng cho giải ngân. Vấn đề này xuất phát từ các nguyên nhân như dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước như chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, phê duyệt các hợp đồng; việc đấu thầu của nhiều dự án được triển khai chậm, một số dự án có khiếu kiện trong quá trình đấu thầu. Ngoài ra, quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, chuẩn bị đầu tư không kỹ, và các yếu tố khó khăn khách quan khác dẫn đến phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện, gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân. Trong khi đó, các thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay được thực hiện chậm trễ, chưa có cơ sở pháp lý để giải ngân…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum.
Tại các điểm cầu, lãnh đạo các địa phương đã phát biểu về những vấn đề khó khăn, vướng mắc, hạn chế; đưa ra các kiến nghị, đề xuất và các giải pháp nhằm thực hiện đạt kết quả cao trong việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các địa phương, Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã có ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể của từng địa phương và cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, phần lớn các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, như tiến hành giao ban hàng tháng/quý; ban hành chỉ thị về tiền vay; thành lập và kiện toàn các tổ công tác thúc đẩy giải ngân; phân công lãnh đạo bộ trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân các dự án thuộc bộ quản lý...
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài những tháng còn lại của năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nội dung sau:
(1) Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Đối với các vấn để còn vướng mắc hay chưa rõ về chính sách cần sớm có ý kiến với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp.
(3) Đối với số kế hoạch vốn 2020 đã đề nghị cắt giảm, điều chuyển phải xác định rõ là, cắt giảm của dự án nào, dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020. Dự án nào chỉ giải ngân được một phần để bổ sung kể hoạch vốn bố trí cho dự án đó ngay vào kế hoạch vốn đầu tư 2021. Từ đó, đảm bảo dự án có đủ kinh phí để thực hiện theo thời gian và tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ tại các hiệp định vay nước ngoài. Trường hợp kế hoạch vốn 2020 đề nghị cắt giảm chưa phân bổ chi tiết cho các dự án do lập kế hoạch chưa sát, cần rút kinh nghiệm khi xây dựng kế hoạch năm 2021 và các năm sau.
(4) Trong phạm vi thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý, phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư lớn, các dự án sắp hết hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay./.
TTTH-TCĐT