Tham dự Hội nghị tại đầu cầu tại Hà Nội có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Chủ trì hội nghị; đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo cấp vụ, chuyên viên của cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Lãnh đạo Sở và các cán bộ quản lý tài sản công của 12 địa phương tại đầu cầu Hà Nội. Tại 51 đầu cầu các địa phương còn lại do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ trì; tham dự có Lãnh đạo Sở Tài chính và các cán bộ quản lý tài sản công của Sở Tài chính; đại diện các Sở: Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đầu cầu tỉnh Kon Tum có sự tham dự của đồng chí Huỳnh Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính; Lãnh đạo và công chức các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; côn chức quản lý tài sản công của Sở Tài chính.
Tại Hội nghị, Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Chủ trì hội nghị phát biểu: Từ ngày 01/01/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 03 Quyết định, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 08 Thông tư hướng dẫn. Việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ và có những kết quả bước đầu quan trọng. Ngoại trừ Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các Hợp đồng BT Chính phủ đang xem xét để ban hành, cho đến nay, tất cả văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lí, sử dụng tài sản công theo hướng chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công. Việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ và có những kết quả bước đầu quan trọng.
Theo đó, đồng chí La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản đã báo cáo tóm tắt đánh giá triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và tình hình thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý, Hội nghị đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, tập trung trao đổi để hoàn thiện cơ chế chính sách, cụ thể: Một số quy định chưa được rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn của nhà nước. Việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp cũng cần quy định rõ hơn, công tác tổ chức thực hiện cần có sự điều chỉnh để đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ. Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng của một số Bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội chậm, từ đó đã có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện ở các đơn vị cơ sở. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền để thi hành Luật, một số quy định được ban hành chưa thực sự đảm bảo đáp ứng với thực tiễn cần phải sửa đổi cho phù hợp…
Triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính- Trần Xuân Hà đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công và đề xuất sửa đổi, bổ sung thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết ban hành... Đồng thời, tăng cường việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời phòng tránh các biểu hiện tiêu cực, thất thoát tài sản tại các Bộ, ngành, địa phương./.
NTU-CS