banner
Thứ 2, ngày 13 tháng 1 năm 2025
Ngành Tài chính kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
17-8-2015

 Tham dự buổi Lễ có các đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An; đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Hữu Vạn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; đồng chí Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Lễ Kỷ niệm còn vinh dự đón nhận các lẵng hoa chúc mừng của các đồng chí: đồng chí Nguyễn  Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và được đón các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Lễ Kỷ niệm: đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tham dự buổi Lễ còn có tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các Ban của Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo ngành Tài chính và các đồng chí đại biểu đại diện cho hơn 7 vạn cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gắn Huân chương Hồ Chí Minh 
lên lá cờ truyền thống ngành Tài chính

Những chặng đường lịch sử

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong đó có Bộ Tài chính. Kể từ đó, ngành Tài chính được thành lập và ngày này hàng năm đã trở thành ngày Truyền thống của ngành Tài chính Việt Nam. Từ đó đến này, đồng hành cùng đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính qua các thời kỳ đã khắc phục khó khăn vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong suốt chặng đường lịch sử 70 năm, các thế hệ cán bộ ngành Tài chính đã không ngừng phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với lợi ích dân tộc và giai cấp, gắn bó chặt chẽ sự nghiệp của ngành với nhân dân và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu tài chính cho hai cuộc kháng chiến thắng lợi, góp phần quan trọng xây dựng Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Tài chính

Điểm qua các giai đoạn, dấu mốc quan trọng của ngành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, đất nước trong cảnh“ngàn cân treo sợi tóc”, ngân quỹ của chính quyền non trẻ gần như trống rỗng; đứng trước các nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, ngành Tài chính đã tiến hành nhiều biện pháp về tài chính, nhằm huy động tối đa nguồn lực cho chính quyền cách mạng. Cùng với việc bãi bỏ hệ thống thuế của chế độ cũ, xây dựng một chế độ thuế mới; ngành Tài chính đã thực hiện các biện pháp nhằm huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân như: Quỹ độc lập; Tuần lễ vàng; Hũ gạo kháng chiến; Quỹ mùa đông binh sỹ;…đã được phát động trên khắp cả nước và có đóng góp vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc những ngày đầu thành lập nước.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với nhiệm vụ vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa phải chống giặc ngoại xâm trong điều kiện tiềm lực tài chính quốc gia còn hạn chế, được sự ủng hộ, đồng sức, đồng lòng của nhân dân, ngành Tài chính đã phát hành thành công giấy bạc tài chính, công phiếu kháng chiến ở miền Bắc, công trái kháng chiến ở miền Nam để tạo lập nguồn lực tiến hành cuộc kháng chiến vĩ đại bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám.                        

Các Đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955-1975), ngành Tài chính đã kịp thời ban hành chính sách tài chính mới áp dụng trên toàn miền Bắc nhằm tiếp tục động viên tinh thần thi đua yêu nước của toàn dân; thắt lưng buộc bụng, làm việc bằng hai, chắt chiu xây dựng cơ sở vật chất, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; chi viện ở mức cao nhất sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Thời kỳ này đã có hàng nghìn cán bộ tài chính đã vào chiến trường, trực tiếp tham gia chiến đấu và vận hành nền tài chính của Chính phủ phù hợp với điều kiện cách mạng miền Nam. Ngành Tài chính cả nước, cán bộ Tài chính ở hậu phương miền Bắc cùng với những chiến sỹ kinh- tài ở mặt trận miền Nam đã sống cống hiến và chiến đấu; trong đó, có nhiều cán bộ tài chính ưu tú đã anh dũng hy sinh, góp phần tạo nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong giai đoạn 1986-2000, mọi đổi mới trong chính sách tài chính, giải pháp và phương thức hoạt động của ngành tài chính đều tập trung thực hiện yêu cầu phục vụ tốt nhất cho chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, huy động tốt nhất mọi tiềm lực trong nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển, củng cố và ổn định nền tài chính quốc gia

Trong giai đoạn 2001-2010, ngành Tài chính đã tiếp tục đổi mới triệt để hơn để trở thành công cụ sắc bén góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên hợp lý, hiệu quả nguồn lực xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập. Hoạt động tài chính- NSNN đã góp phần tích cực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, bình quân 5 năm giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 6,9%; quy mô GDP thực tế ước đạt khoảng 106 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.200 USD (gấp 2 lần so với năm 2005). Các mặt xã hội có bước phát triển khá, đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc giảm, an sinh xã hội được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trong giai đoạn này, ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu, bằng nhiều chính sách tài chính chủ động, linh hoạt đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011- 2020 và phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2011-2015, ngành Tài chính tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các cơ chế chính sách tài chính- ngân sách và hội nhập quốc tế toàn diện. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành Tài chính đã tập trung triển khai các giải pháp về tài chính- NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất- kinh doanh, hỗ trợ thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan đã được triển khai quyết liệt nhằm góp phần giảm thiểu chi phí và tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật về tài chính đã đáp ứng yêu cầu của Đảng là “Xây dựng đồng bộ thể chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tiềm lực tài chính Nhà nước ngày càng được củng cố và lớn mạnh, thu NSNN hàng năm đều vượt so với kế hoạch và năm sau cao hơn năm trước; quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 tăng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010; cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN tăng từ mức 58% giai đoạn 2006-2010 lên gần 67% giai đoạn 2011-2015. Ngân sách nhà nước đảm bảo chi cho các nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng của đất nước; cơ cấu chi NSNN đã được thay đổi theo hướng tiếp tục ưu tiên đầu tư cho con người. Chi cho ASXH tăng bình quân khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu NSNN (bình quân khoảng 9-10%) và tốc độ tăng chi NSNN (bình quân khoảng 12%/năm). Ngành Tài chính đã chủ động hội nhập quốc tế về tài chính, tham gia tích cực, có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương và đa phương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh  cho biết: bằng những thành tích, đóng góp của ngành Tài chính trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành Tài chính đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, hàng nghìn Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị ngành tiếp tục phát huy những truyền thống,  thế mạnh đã đạt được, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, tiếp tục đổi mới nền tài chính quốc gia phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước. Ngành phải tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, chủ động hội nhập quốc tế thành công.

Vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao

Phát biểu tại buổi Lễ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 70 năm, đoàn kết, nhất trí, thi đua yêu nước, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tiếp tục xây dựng ngành Tài chính ngày một lớn mạnh; xây dựng lực lượng cán bộ công chức ngành Tài chính đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn ““Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đọc diễn văn chào mừng

Để hoàn thành được mục tiêu trên, trong giai đoạn tới, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành Tài chính cần tích cực phấn đấu, chủ động thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và các nhiệm vụ tài chính dưới đây:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính nhằm tạo động lực phát triển KT-XH của đất nước; huy động hợp lý đảm bảo nguồn lực NSNN để thực hiện các nhiệm vụ của quốc gia; đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hai là, thực hiện điều chỉnh cơ cấu chi NSNN hiệu quả, vững chắc phù hợp với điều chỉnh chính sách phát triển KT-XH. Phân bổ tập trung, sử dụng hiệu quả, ưu tiên đầu tư cho con người, kết cấu hạ tầng KT-XH trọng điểm của đất nước. Nâng cao vai trò định hướng nguồn lực tài chính nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời, thu hút mạnh mẽ sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NSNN.

Nguyên Bộ trưởng Hồ Tế phát biểu tại buổi Lễ

Ba là, hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính đối với khu vực khu vực sự nghiệp công. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập; thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công theo lộ trình, đảm bảo công khai, minh bạch;

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị công ty, minh bạch và công khai thông tin tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo yêu cầu của luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

Năm là, tăng cường giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Sáu là, đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế, chủ động xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với yêu cầu hiện đại hóa ngành Tài chính.

Chương trình văn nghệ chào mừng

Bảy là, Nâng cao hiệu lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của công tác kiểm tra, thanh tra tài chính trong tất cả các lĩnh vực; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương có liên quan trong việc xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, nghiệp vụ nhằm định hướng công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng được các yêu cầu thực tế trong công tác quản lý nhà nước của Ngành.

Tám là, đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa và ứng dụng CNTT, đặc biệt là các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính doanh nghiệp,… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế;

Đại diện Thế hệ trẻ bày tỏ quyết tâm sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngành

Chín là, phát triển nguồn nhân lực đi đôi với sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý tài chính. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp.

Mười là, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; cập nhật kịp thời và phổ biến rộng rãi các cơ chế chính sách tài chính mới, các hoạt động của ngành; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí ngoài ngành nhằm tăng cường hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực tài chính góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tài chính và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính.

*** Ghi nhận những đóng góp to lớn, liên tục và xuất sắc của Ngành Tài chính cách mạng Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển trong 70 năm qua, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định trao tặng ngành Tài chính Huân chương Hồ Chí Minh vì những thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Dân tộc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Đảng, Nhà nước đến dự Lễ Kỷ niệm và trao tặng phần thưởng cao quý này cho ngành Tài chính Việt Nam.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

Số lượt xem:621

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2009328 Tổng số người truy cập: 1760 Số người online:
TNC Phát triển: