banner
Thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm với nhân dân
19-4-2016

  HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ TRUNG THỰC, TRÁCH NHIỆM VỚI NHÂN DÂN 

1. Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm:
- Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách chân chính. Tính trung thực giúp con người được tin cậy. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì. Trung thực làm nên tính cách tự trọng, thẳng thắn của cá nhân; tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể. Sống trung thực đòi hỏi phải dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân. Do đó, trung thực luôn luôn gắn liền với trách nhiệm.
- Trung thực là phẩm chất hàng đầu của cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý. Những người thiếu trung thực, sớm muộn gì cũng bị phát hiện, làm mất lòng tin của người khác. Người thiếu trung thực thì không thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với những người xung quanh - “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Để củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, công chức, đảng viên, đối với Đảng, Nhà nước, cần đề cao tính trung thực đi đôi với trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi đảng viên, nhất là cán bộ, công chức, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.
- Trung thực, trước hết là sự trung thực với chính mình, nghiêm túc với chính mình, trung thực với người khác, không được “nói mà không làm”, “hứa mà không làm”. Lời nói, lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây là hoạt động thực tiễn, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh.
- Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình công việc do mình phải làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trách nhiệm là việc phải làm, không thể thoái thác. Trách nhiệm là bổn phận của mỗi người, dù ở cương vị nào. Ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là sự tự ý thức về các công việc phải làm, “nhận rõ phải, trái, đúng sai”, tự mình xác định việc cần làm. Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình là “có tinh thần trách nhiệm cao”.
- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể của trung thực và trách nhiệm là nói đi đôi với làm; đó là nguyên tắc thực hành đạo đức, là phương châm hoạt động, là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động trong một con người. Trung thực, trách nhiệm là phải nói và làm đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống chủ nghĩa cá nhân, không được vì lợi ích cá nhân mà nói sai, làm sai. Nắm vững mục tiêu lý tưởng của Đảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa bằng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận đông nhân dân làm theo cho đúng. Trung thực, trách nhiệm cũng có nghĩa là kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.
- Với cán bộ, công chức, đảng viên, trung thực, trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sau đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, phấn đấu vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về trung thực, trách nhiệm với mình, với người, với việc, thể hiện trong tư tưởng và lẽ sống của Người.
Tấm gương trung thực, trách nhiệm của Hồ Chí Minh thể hiện trong lối sống trọng danh dự, trung thực, giữ chữ tín, nói đi đôi với làm, nêu gương, làm gương trước. Người khẳng định: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Lối sống, phong cách của Hồ Chí Minh thể hiện rõ phương pháp: muốn người khác nghe theo thì phải là con người có tấm lòng trong sáng, phải chính tâm, phải thật sự là tấm gương.
2. Liên hệ thực tiễn học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm của tập thể chi bộ và công chức của Sở Tài chính:
Trong đời sống xã hội hiện nay, có một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức còn tiêu cực, sai lệch về mục tiêu lý tưởng, nói chưa đi đôi với làm, thiếu trung thực, khi mắc phải khuyết điểm thì không dám nhận mà còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đỗ lỗi cho khách quan, thiếu tinh tinh thần sửa sai. Để nhận thức và hành động đúng các hoạt động trong thực tiễn, do đó mỗi đảng viên, công chức của Sở Tài chính cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, trung thực, dám nghĩ, dám nói, dám làm. Chi bộ và Lãnh đạo cơ quan luôn quán triệt đến từng đảng viên, công chức và người lao động một số nội dung chủ yếu như sau:
- Yêu cầu của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực nhất là công chức, đảng viên trong chi bộ, cần xây dựng lối sống trung thực, trách nhiệm. Phải thật sự trung thực, trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí.
- Nói đúng, làm đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không nói sai, làm sai, không vụ lợi cá nhân.
- Luôn nêu cao tính trung thực trước chi bộ, cơ quan, nhất là trong thực thi nhiệm vụ, như: không đùn đẩy, né tránh công việc; phối hợp tốt với đồng nghiệp trong cơ quan, trong từng bộ phận chuyên môn, biết chia sẻ nhiệm vụ, hỗ trợ giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung.
- Nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ mới, sáng kiến trong công tác.
- Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm".
- Cụ thể về kết quả đạt được và tồn tại:
+ Kết quả đạt được:
Đảng viên, công chức luôn có sự đoàn kết, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước;
Các bộ phận và công chức trong cơ quan đã nhận thức được nhiệm vụ của mình, của phòng mình, trong công việc đã có tinh thần phối hợp; phối hợp có hiệu quả với cơ quan liên quan trong thực thi công vụ;
Trung thực, công tâm trong công việc, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong công tác (Người này nghĩ phép hoặc ốm đau hoặc có việc riêng đột xuất thì Người khác làm thay để hoàn thành nhiệm vụ của phòng, của cơ quan);
Trong công tác chuyên môn hướng dẫn nhiệt tình, đã nhận thức được công việc hành chính vừa là yêu cầu của quản lý nhà nước, vừa là có tính phục vụ.
+ Mặc dù đã đạt được những kết quả trong thực thi công vụ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế sau:
Một vài công chức còn ngại nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chưa mạnh dạn trong công tác phê bình và tự phê bình;
Một vài công chức còn hạn chế về năng lực chuyên môn, am hiểu về công tác chuyên môn chưa đồng đều, có phần hạn chế; khả năng tự độc lập tham mưu của một số ít công chức còn lúng túng; đôi lúc công tác phối hợp còn chưa nhịp nhàng, chưa kịp thời, vẫn còn tình trạng “đùn đẩy” công việc cho nhau; công tác tham mưu đôi lúc chưa kịp thời....
3. Phương hướng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh về trung thực, trách nhiệm và khắc phục tồn tại:
- Mỗi đảng viên, công chức luôn vững vàng về chính trị, quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là người công dân gương mẫu, người lao động giỏi, làm việc với chất lượng tốt và hiệu quả cao, trung thực trong cuộc sống, tận tụy trong công việc.
- Có chí tiến thủ, tích cực học tập, tự rèn luyện để nâng cao kiến thức, phẩm chất và năng lực phù hợp với chức trách và nhiệm vụ được giao, chủ động sáng tạo, nắm vững nguyên lý, áp dụng giải quyết trong công việc một cách nhanh chóng, khoa học, có hiệu quả.
- Đảng viên, công chức luôn đề cao tính kỷ luật, đoàn kết, thực hiện tốt nội quy, quy chế trong cơ quan, đơn vị, tôn trọng và chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan.
- Thẳng thắn phê bình và tự phê bình một cách trung thực để góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp sửa chữa khuyết điểm kịp thời, cùng nhau góp sức xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh mọi mặt.
- Nhận thức đầy đủ về công việc được giao; tuyệt đối không được né tránh, “đùn đẩy” công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; tham mưu giải quyết công việc nhanh, kịp thời và có chất lượng; nêu cao tinh thần phối hợp và phối hợp với trách nhiệm cao, có hiệu quả thiết thực với đồng nghiệp trong cơ quan và ngoài đơn vị;
- Chi bộ, lãnh đạo cơ quan biểu dương, khen thưởng kịp thời tinh thần phê và tự phê, trung thực thẳng thắn trong thực hiện nhiệm vụ, để từ đó mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình trong suy nghĩ và hành động nhằm bảo vệ và xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan.
Trung thực và thẳng thắn là đức tính rất cần thiết trong cuộc sống. Trong thời đại hiện nay, nhất là chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu, sống trung thực giúp chúng ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng; vì vậy mỗi đảng viên, công chức cần xác định đúng tư tưởng và nhiệm vụ của mình, tùy thuộc vào vị trí công tác và nhiệm vụ cụ thể của mỗi đảng viên, công chức được giao. Chúng ta vận dụng và phát huy tính trung thực và nêu cao trách nhiệm để góp phần hoàn thiện nhân cách và nhận được sự tin yêu của đồng chí, đồng nghiệp và của quần chúng nhân dân./.

Chi tiết tại đây

Số lượt xem:5830

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Ra mắt Đoàn viên mới (15-4-2016)
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2025906 Tổng số người truy cập: 4350 Số người online:
TNC Phát triển: