banner
Thứ 5, ngày 2 tháng 1 năm 2025
Chính sách thuế ưu tiên phát triển DNNVV trong giai đoạn 2017-2020
18-8-2016

 Phóng viên: Tại sao thời điểm này lại đề xuất giảm thuế TNDN với DNNVV?

Ông Phạm Đình Thi: Trong những năm qua, để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều giải pháp về thuế đã được thực hiện và có hiệu quả tích cực. Bước sang năm 2016, nền kinh tế nước ta đang tiếp tục đổi mới sâu sắc với nhiều dự báo khả quan: Đây là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, đồng thời là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, dự báo năm 2016 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức như tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tốc độ phục hồi kinh tế chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, rào cản thương mại có xu hướng gia tăng. Giá dầu thấp, khó dự báo. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, Hiệp định TPP cùng nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, việc Anh rời khởi liên minh châu âu (EU)... mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016, trong đó có nội dung “... tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/01/2016, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), trong điều hành phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi NSNN. Tiếp tục cơ cấu lại nguồn NSNN theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa.

Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP CP với nhiều giải pháp về chính sách và quản lý thuế. Thực hiện mục tiêu phát triển DN đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh... hàng năm có khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới, sáng tạo. Thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể về thuế nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó bao gồm các giải pháp về thuế hỗ trợ các DNNVV, DN khởi nghiệp, xử lý nợ thuế...

Như vậy, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ DNNVV là một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển tại Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Cũng cần nói thêm rằng, để phát triển DN, DNVVN là 1 trong những trọng tâm mà các nước đang phát triển đang rất chú ý bởi vì bởi vì: DNVVN quy mô nhỏ nhưng giải quyết được vấn đề lao động và việc làm; DNVVN là DN dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là khi tình hình kinh tế có biến động. Có thể thấy thể hiện trong năm 2012, 2013, trước bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN tập trung vào các DNVVN; Kinh nghiệm quốc tế cho thấy DNNVV luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Nhiều nước có quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông như: Singapore áp dụng thuế suất phổ thông là 17%, trong đó giai đoạn 2013-2015 thực hiện giảm 30% số thuế TNDN phải nộp nhưng tối đa không quá 30.000 $/năm và giai đoạn 2016-2017 giảm 50% số thuế TNDN phải nộp nhưng tối đa không quá 20.000 $/năm với điều kiện doanh nghiệp có doanh thu bán hàng hàng năm dưới 100 triệu đô la Singapore hoặc sử dụng dưới 200 lao động; tại Trung Quốc, áp dụng thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ là 20% trong khi thuế suất phổ thông là 25%. Hoặc tương tự, ở Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các DNNVV cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Theo đó, các DNNVV có thu nhập chịu thuế từ 300.000 bạt trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 bạt được áp dụng mức thuế suất 15% và trên 3.000.000 bạt áp dụng mức thuế suất 20%. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2017, để thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, Thái Lan thực hiện ưu đãi nhiều hơn đối với DNNVV như sau: Từ 01/01/2016 - 31/12/2016: Miễn thuế hoàn toàn cho DNNVV; Từ 01/01/2017 - 31/12/2017: Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 300.000 baht trở xuống được miễn thuế; doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế lớn hơn 300.000 baht được áp dụng thuế suất 10%.

Cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH và tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp. Vì vậy, để việc hỗ trợ DNNVV được khả thi trong thực hiện thì chính sách thuế cũng là một trong các công cụ cần tính tới (và thực tế đã được áp dụng trong giai đoạn từ 01/7/2013 đến hết 2015, từ 01/01/2016 DNNVV áp dụng mức thuế suất 20% như các doanh nghiệp khác).

Để tiếp tục khuyến khích DNNVV phát triển, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội cho DNNVV được giảm thuế suất phổ thông xuống còn 17% áp dụng trong thời hạn tối đa 4 năm (giai đoạn 2017 -2020).

Phóng viên: Nếu được phê duyệt, lộ trình giảm thuế sẽ như thế nào và tiêu chí cụ thể DNNVV như thế nào thì được hưởng ưu đãi?

Ông Phạm Đình Thi: Như trong dự thảo đã đề xuất, thuế suất đối với DNNVV là 17% được áp dụng trong giai đoạn từ 2017-2020. Trong quá trình thực hiện Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn để nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về tiêu chí xác định DNNVV khi áp dụng các ưu đãi nêu trên. Hiện nay, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia đều có một tiêu chí xác định DNNVV riêng nhưng chủ yếu là dựa vào tiêu chí doanh thu, thu nhập, lao động và vốn đầu tư. Một số quốc gia xác định theo tiêu chí thu nhập của doanh nghiệp như Hàn Quốc, Thái Lan; một số nước khác sử dụng tiêu chí doanh thu hoặc lao động (như Malaysia); một số nước khác lại kết hợp đồng thời hai hoặc 3 tiêu chí để xác định DNNVV như: Pháp sử dụng cả hai tiêu chí doanh thu và thu nhập, Trung Quốc sử dụng đồng thời 03 tiêu chí về số lao động, doanh thu và tổng tài sản,…

Theo Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất phổ thông 20% trong giai đoạn 2013-2015 là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng.

Tại dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gửi xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2016) đề xuất việc xác định DNNVV dựa theo tiêu chí doanh thu (doanh thu của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng) hoặc lao động (lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người). Tuy nhiên, nếu lấy tiêu chí theo đề xuất tại dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV nêu trên để xác định đối tượng được áp dụng mức giảm thuế suất thuế TNDN theo diện doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì chưa thật sự phù hợp.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế,… trong bối cảnh kinh tế - xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định tiêu chí DNNVV để đề xuất giải pháp hỗ trợ giảm thuế suất thuế TNDN cần dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu NSNN. Thực tế, Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 cũng đã xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông trong giai đoạn 2013 - 2015 là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội xác định tiêu chí DNNVV như quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 (doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng).

Phóng viên: Trong năm qua, số DNNVV đóng thuế được bao nhiêu và chiếm bao nhiêu %. Nếu giảm thì NSNN hụt thu bao nhiêu? Theo ông con số hụt thu này có đáng lo ngại không?

Ông Phạm Đình Thi: Theo số liệu số thu thuế TNDN năm 2015 cho thấy: nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng như quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì số lượng doanh nghiệp này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế TNDN chỉ có 2.746 tỷ đồng; còn nếu nâng mức doanh thu lên 100 tỷ đồng như đề xuất tại dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV thì số lượng doanh nghiệp chiếm 95,2% (tăng 9% so với số doanh nghiệp có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng) là số thu về thuế TNDN là 8.710 tỷ đồng (tăng 5.964 tỷ đồng so với DN có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng). Do đó, nếu xác định DNNVV được áp dụng thuế suất 17% theo tiêu chí doanh thu năm không quá 100 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, còn nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách chỉ khoảng 473 tỷ đồng.

Cũng có người đặt ra câu hỏi vì sao đặt ra chính sách giảm thu trong bối cảnh NS đang khó khăn. Nhưng chúng tôi cho rằng nếu chính sách của chúng ta trúng, đúng đối tượng thì chúng ta chỉ cần sử dụng một nguồn lực rất nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Tác động đó chính là tạo điều kiện cho DNNVV phát triển, cũng chính là tăng trưởng GDP. Mà tăng trưởng GDP là cái gốc của vấn đề thu ngân sách. Nếu chúng ta đạt được điều đó thì chúng ta không sợ giảm thu ngân sách vì kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn thu lớn hơn và bền vững hơn, cũng là cơ hội tái cơ cấu lại nguồn thu trong nước để tăng tỷ trọng thu nội địa. Thực tế, kinh nghiệm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn 2012-2014 cũng đã cho thấy điều này. Mặt khác ngân sách những năm hiện tại cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều do số lượng DNNVV chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng đóng góp vào NSNN về thuế TNDN lại nhỏ.

Mặt khác, để vừa đảm bảo nguồn thu NSNN, vừa có các chính sách thuế nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, số giảm thu ngân sách do thực hiện các giải pháp về thuế sẽ được bù đắp bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác xử lý nợ đọng thuế; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, nhất là chống chuyển giá; Thực hiện có kết quả Nghị định 19 năm 2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành.

Phóng viênVề giải pháp giảm thuế TNCN cho nhân lực làm trong lĩnh vực công nghệ cao. Con số giảm 50% là khá lớn, có những căn cứ nào để Bộ Tài chính đề xuất mức giảm thuế này?

Ông Phạm Đình Thi: Hiện nay chưa có chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế TNCN đối với cá nhân là nhân lực công nghệ cao; Bên cạnh đó, Đảng và nhà nước đã xác định phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN; bảo đảm quyền nghiên cứu KH&CN....

Thực tế thực hiện thấy rằng, để phát triển hơn nữa lĩnh vực KH&CN thì cần thiết phải có những chính sách tập trung thu hút các cá nhân có trình độ cao tham gia thực hiện trong các lĩnh vực KH&CN, cung cấp các dịch vụ công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực đang ưu tiên phát triển. Vì vậy, để thu hút được các cá nhân có trình độ chuyên môn cao vào làm việc trong ngành KH&CN thì cần có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, kể cả giải pháp về giảm thuế TNCN.

Vậy tại sao mức giảm là 50%? qua nghiên cứu, thu thập thông tin về thu nhập của lực lượng lao động về CNTT của Việt Nam và cũng là so sánh với các nước trong khu vực, chúng tôi thấy rằng nếu chính sách có lực hút không đủ lớn thì lao động trong ngành này sẽ bị thu hút ngay sang các nước bên cạnh, chứ chưa nói tới việc chúng ta thu hút được nguồn lực chất lượng cao của quốc tế trong lĩnh vực này đến Việt Nam.

Phóng viênĐề xuất ưu đãi thuế TNDN 10% cho doanh nghiệp cải tạo chung cư cũ chỉ thực hiện trong 3 năm. Thời gian này có quá ngắn so với chu trình thực hiện dự án?

Ông Phạm Đình Thi: Trước đây, Chính phủ đã có Nghị quyết về những ưu đãi trong cải tạo chung cư cũ. Trong bối cảnh thực thực trạng các khu chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, việc đẩy mạnh quá trình cải tạo chung cư cũ trên cả nước sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục những bất cập trong việc cải tạo chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp hiện nay, qua đó tạo thêm nguồn cung nhà ở cho nhiều người dân, đồng thời đem lại cảnh quan, môi trường cho xã hội.

Trong chính sách thuế hiện nay mới có ưu đãi cho nhà đầu tư nhà ở xã hội, tức là 10% thuế TNDN. Do đó, chúng tôi đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ. Nội dung này cũng cần phải sửa trong luật. Tuy nhiên, trước tình hình cấp bách về cải tạo chung cư cũ hiện nay, chúng tôi đề xuất trình Quốc hội Nghị quyết để thực hiện trong giai đoạn ngắn, trong quá trình thực hiện, chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ sẽ được Bộ Tài chính tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn khi sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

Số lượt xem:386

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1988936 Tổng số người truy cập: 4369 Số người online:
TNC Phát triển: