Ngân sách nhà nước tiếp tục thặng dư
Cùng với sự phát triển khả quan của nền kinh tế từ cuối năm 2018 đến nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành những tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao so cùng kỳ. Cơ quan Thuế đã tập trung triển khai công tác thu ngay từ đầu năm, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp, phấn đấu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN. Nhờ đó, kết quả kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2019 là tương đối tích cực và đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế lớn. Ước tính cả nước có 53/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 58%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 61% dự toán; 56/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách nên cân đối NSNN tháng 7 và 7 tháng tiếp tục có thặng dư. Cụ thể, tổng thu NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 144,45 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu NSNN 7 tháng ước đạt 891,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán, tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa tháng 7 ước đạt 124,27 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 34,5 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Luỹ kế thu 7 tháng ước đạt 724,68 nghìn tỷ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2018 (đạt 58,4% dự toán, tăng 18%).
Thu từ dầu thô, tháng 7 ước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 65 USD/thùng, sản lượng thanh toán ước đạt 1,03 triệu tấn. Lũy kế 7 tháng thu đạt 34,35 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán, giảm 3,4% so cùng kỳ năm 2018.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, tháng 7 ước đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 13,5 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 7 tháng đạt ước đạt 205 nghìn tỷ đồng, bằng 68,2% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Công tác chi NSNN được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa. Tổng chi NSNN tháng 7 ước đạt 110,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 776,86 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát khoảng 454.258 tỷ đồng chi đầu tư và thường xuyên NSNN, qua đó đã phát hiện 6.392 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 16,2 tỷ đồng.
Thị trường tài chính và dịch vụ tài chính tiếp tục tăng trưởng
Bên cạnh thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành thu chi NSNN, các công tác như: quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; công tác quản lý giá, thị trường; công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; công tác tài chính đối ngoại và quản lý nợ công… cũng được Bộ Tài chính tích cực triển khai.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, 7 tháng đầu năm 2019, Bộ đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đến hết tháng 7/2019, có 06 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 680 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 615 tỷ đồng; có 09/62 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng; các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thoái vốn với tổng giá trị 1.540 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng.
Công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, thị trường chứng khoán duy trì đà tăng trưởng tốt tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu, huy động vốn cho ngân sách và cho đầu tư phát triển. Tính đến ngày 29/7/2019, chỉ số VN-Index đạt 997,94 điểm, tăng 9,7% so cuối năm 2018; quy mô vốn hóa đạt khoảng 81% GDP, tăng khoảng 14% so cuối năm 2018. Đối với thị trường bảo hiểm, ước thực hiện 7 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị tài sản bảo hiểm đạt 428,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so cùng kỳ năm 2018; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 347,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 91,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 85,7 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2018.
Trong công tác quản lý giá, thị trường, 7 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan trong việc quản lý, điều hành giá cả hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu Nhà nước quản lý giá (xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) nhằm kiểm soát tốt các yếu tố hình thành giá và mặt bằng giá cả thị trường, ngăn ngừa việc tăng giá đột biến, bất hợp lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần giữ ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước.
Tập trung thực hiện nhiệm vụ điều hành ngân sách những tháng cuối năm
Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong những tháng vừa qua, trong tháng 8, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Thuế, Hải quan các tỉnh, thành phố tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Trên cơ sở báo cáo của các Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh thành phố tiến hành phân tích, nắm rõ tình hình thu NSNN, nợ thuế, nguyên nhân tăng, giảm tại các địa phương để có các giải pháp kịp thời. Đồng thời, xây dựng quy trình thu NSNN thông qua mã định danh khoản thu; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn KBNN các địa phương rà soát chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu NSNN năm 2018, 2019; Tổ chức điều hành ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN; Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội hoàn chỉnh Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017; Xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, kết nối và trao đổi dữ liệu với KBNN, ngân hàng thương mại để trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử và tạo thuận lợi cho người nộp phạt...
Theo https://www.mof.gov.vn.