banner
Thứ 2, ngày 13 tháng 1 năm 2025
Đó là chủ đề Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Trường ĐH Tài chính
1-12-2014

 Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tập trung vào một số nội dung: (i) Chính sách tài chính đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn (chính sách về đất đai, chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm…). Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; (ii) Phân tích thực trạng và nguồn lực tài chính để phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay tại Việt Nam; (iii) Đầu tư phát triển nông thôn mới: thực trạng và những vấn đề đặt ra; (iv) Kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn; (v) Kiến nghị đề xuất đổi mới chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn.

“Nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng ban hành đổi mới trên tất cả các khâu từ sản xuất, tiêu thụ, quy hoạch, hỗ trợ vốn… để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân”

ThS. Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2009 - 2013), GDP nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2%. Kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, thu nhập của đại bộ phận người nông dân thôn thôn được cải thiện. Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục có xu hướng chậm lại. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp… Do vậy, trong thời gian tới, chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn cần tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách bảo vệ đất trồng lúa, chính sách thu mua tạm trữ, chính sách tín dụng, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vực nông nghiệp, nông thôn.

Quang cảnh hội thảo

Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh  - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng về chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đối tượng cung ứng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng được mở rộng, không còn bị bó hẹp cho vay bởi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mà còn có các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, song song với các chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động vốn, trong đó cần chú ý tới nguồn vốn trung, dài hạn để tránh rủi ro thanh khoản; đa dạng hóa các sản phẩm huy động vốn phù hợp với nhu cầu của khách hàng; mở rộng có quy hoạch mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch tạo điều kiện thuận lợi huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế; tăng cường khai thác nguồn vốn ODA, nguồn vốn dành cho Dự án tín dụng đối với nông thôn,… đồng thời cần thực hiện tốt công tác xử lý nợ tồn đọng để tạo nguồn vốn khả dụng.

Bên cạnh đó, một chính sách cũng rất quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn đó là bảo hiểm vi mô. Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, bảo hiểm vi mô hướng tới việc cung cấp công cụ tài chính hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp nhằm đảm bảo hoạt động và cải thiện đời sống của họ. Hiện nay, nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất kinh doanh và chịu nhiều rủi ro. Người dân nông thôn thường có thu nhập thấp, khả năng chống đỡ với rủi ro trong sản xuất và đời sống thấp. Hệ thống tài chính qua các ngân hàng chính sách xã hội và quỹ tự phát chỉ mới có vai trò hỗ trợ tài chính vi mô mà chưa cung cấp công cụ tài chính hỗ trợ cho người dân nông thôn. Do vậy, phát triển bảo hiểm vi mô trong nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp tài chính rất cần thiết để hỗ trợ tài chính cho người nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất, sinh sống, từ đó phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Như vậy, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Các gợi ý chính sách đưa ra trong Hội thảo là những giải pháp hỗ trợ tài chính hữu hiệu giúp nông dân, nông nghiệp và nông thôn phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế của đất nước./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

Số lượt xem:602

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2009500 Tổng số người truy cập: 2593 Số người online:
TNC Phát triển: