banner
Thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Tư tưởng hồ chí minh về trung thực và rách nhiệm với nhân dân
19-4-2016

  1. Tư tưởng của Hồ chí minh về trung thực và trách nhiệm với nhân dân:

Trung thực là là một phẩm chất đạo đức, thể hiện sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm; giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người. Đối lập với trung thực là giả dối. Trong quan hệ giữa người với người, Hồ Chí Minh coi trung thực là nói đi đôi với làm. Trong bài giảng “Tư cách một người cách mệnh”, Người viết:… “Nói thì phải làm”.

- Cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức “trung thực” bắt nguồn từ truyền thống của dân tộc: những phẩm chất thật thà, ngay thẳng, vị tha, thương yêu con người, sống có tình, có nghĩa... Tất cả những điều đó làm nổi lên đức tính trung thực của người Việt Nam. Đồng thời, Hồ Chí Minh còn tiếp thu, thâu hái những tinh hoa văn hóa đạo đức của nhân loại, từ triết lý “kỷ sở bất dục, mặc thi ư nhân” “chính danh quân tử” của Nho giáo; những lời răn dạy “từ bi, hỷ xả”, “cứu khổ, cứu nạn”, không nói dối trá, không ăn cắp, cưu mang giúp đỡ con người… của Phật giáo; đến đức hy sinh, tự sám hối với mình của Công giáo…Trung thực trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang nội dung đạo đức cao quý của người cộng sản, những người đã công khai nói về sự tự nguyện hy sinh, cống hiến cả cuộc sống của mình cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người…

- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể của trung thực là “nói thì phải làm”. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc thực hành đạo đức, là phương châm hoạt động, là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động trong một con người.

- Với cán bộ, đảng viên, công chức, trung thực trước hết là với Đảng với cách mạng. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, thì dù phải trải qua những tình huống phức tạp, những bước ngoặt hiểm nghèo, vẫn luôn luôn trung thực với mình, trung thành với Đảng, với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
- Trung thực là phải nói và làm đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống chủ nghĩa cá nhân, không được vì lợi ích cá nhân mà xuyên tạc, nói sai, làm sai. Nắm vững mục tiêu lý tưởng của Đảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn để thực hiện cho đúng; để tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân làm theo cho đúng.

- Trung thực, thống nhất giữa lời nói và việc làm, “không được nói một đàng, làm một nẻo” là sự thể hiện sự trung thực với chính mình. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được và là sự giả dối. Nếu kêu gọi mọi người cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không cần, kiệm, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và Nhân dân, sống hoang phí, xa hoa…, là giả dối, không trung thực.

- Trung thực là nghiêm túc với chính mình, đúng mực với người khác, không được “hứa mà không làm”. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây chính là hành động từ việc nhỏ đến việc lớn, là hoạt động thực tiễn tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... phải thật thà nhúng tay vào việc”.
- Đối với Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra là lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của Nhân dân đối với Đảng”. Đảng phải luôn luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để hoàn thành trách nhiệm, lời hứa trước Nhân dân. Khi mắc sai lầm, khuyết điểm thì dũng cảm nhận lỗi trước dân và kiên quyết dựa vào dân để sửa chữa khuyết điểm.
Trách nhiệm là phần việc được giao, nghĩa vụ phải làm tròn theo cương vị, chức trách của mình. Con người có bao nhiêu vị trí, vai trò, chức năng trong các mối quan hệ xã hội thì có bấy nhiêu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm thành viên của mỗi người trong quan hệ gia đình; trong cộng đồng, tổ chức, xã hội; trách nhiệm công dân trong quan hệ với đất nước; trách nhiệm phục vụ nhân dân, là công bộc của dân, của cán bộ, công chức…
Trách nhiệm là một khái niệm kép, vừa thuộc phạm trù đạo đức, vừa thuộc phạm trù pháp luật. Có trách nhiệm chỉ chịu sự phán xét của dư luận, đạo đức. Có trách nhiệm ngoài sự phán xét của dư luận, đạo đức còn chịu sự xét xử của pháp luật. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, chịu sự phán xét của cả dư luận, đạo đức, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó việc nhận thức đúng đắn, tự giác thực hiện có vai trò quan trọng.
Tinh thần trách nhiệm là sự nhận thức (nông, sâu, đầy đủ hay chưa đầy đủ) về nghĩa vụ phải hoàn thành trong mối quan hệ nhất định. Ngược lại với ý thức trách nhiệm là thái độ vô trách nhiệm. Hồ Chí Minh chỉ rõ trách nhiệm của mỗi người trong các mối quan hệ, nhưng nhấn mạnh trước hết là trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Người thường nhắc nhở mỗi người có 3 trách nhiệm: trước Đảng, trước dân, trước công việc. Trong 3 trách nhiệm đó, trước hết cần có ý thức trách nhiệm cao trước công việc, trước nhân dân để làm thật tốt rồi mới đem kết quả đó mà báo cáo với cấp trên, với Đảng.
- Trong hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: mỗi người đều phải tuân theo đạo đức công dân. Đó là tuân theo pháp luật của Nhà nước, kỷ luật lao động, giữ gìn trật tự chung, đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số… Đạo đức công dân là hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ Tổ quốc, cần, kiệm xây dựng nước nhà... Người nói, mỗi người đều phải có bổn phận với đất nước. Nước là nước của dân; và dân là chủ của nước. Tổ quốc là Tổ quốc chung. Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do. Nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm công dân trước hết và bao trùm nhất là trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Cơ sở của việc nâng cao ý thức trách nhiệm trong tư tưởng Hồ Chí Minh xuất phát từ quan niệm mỗi người đều có trách nhiệm trước Tổ quốc. Khi Tổ quốc lâm nguy thì mọi người đều phải đứng lên. Trong lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 Bác viết: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc".
- Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Người yêu cầu để làm gương cho nhân dân, phải có đạo đức cách mạng, vì cán bộ, đảng viên là tấm gương của xã hội, phải nêu gương, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ quản lý, lãnh đạo vừa phải thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức của người cán bộ. Dù công tác ở lĩnh vực nào cũng đều phải có phẩm chất đạo đức. Cấp bậc càng cao càng phải nêu gương về đạo đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Người viết: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.
Cơ sở của trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức là "dân là chủ và dân làm chủ". Chính phủ, cán bộ là công bộc của dân. Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc gì hại đến dân thì Chính phủ phải hết sức tránh. Việc gì lợi cho dân thì Chính phủ phải ra sức làm.
- Đối với cán bộ, đảng viên của Đảng, cơ sở của ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân bắt nguồn từ mục đích và bản chất của Đảng.
- Cán bộ, đảng viên, công chức phải phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; nhân dân là sức mạnh vô địch.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành. Nhân dân là người làm ra lịch sử. Sức mạnh của nhân dân là vô địch. Không có nhân dân, Đảng, Chính phủ không có lực lượng. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới này không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của nhân dân. Có dân là có tất cả. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”... Nhiệm vụ phục vụ nhân dân của Đảng là tổ chức và phát huy sức mạnh trong nhân dân để đấu tranh giành lợi ích cho nhân dân, để xây dựng và bảo vệ xã hội mới do nhân dân làm chủ.
- Trách nhiệm đối với Nhân dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức với Nhân dân được bắt nguồn từ nguyên lý: "Nước lấy dân làm gốc", "Sự nghiệp cách mạng là do Nhân dân tiến hành", "Nhân dân là người làm ra lịch sử"… Cán bộ, đảng viên, công chức phải “hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân”. Để làm được việc đó, cán bộ, đảng viên công chức còn phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho Nhân dân nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo quần chúng Nhân dân thực hiện thắng lợi các đường lối, chính sách ấy. Trong bài"Đảng viên Đảng lao động Việt Nam", Người đã chỉ rõ: "Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành”.

+ Người nhắc nhở, muốn lãnh đạo được quần chúng Nhân dân thì cán bộ, đảng viên, công chức phải sâu sát, gần gũi quần chúng, chăm lo giúp đỡ quần chúng về mọi mặt; phải "trọng dân, sát dân, tin dân", phấn đấu sao cho "dân phục, dân tin, dân yêu". Người luôn yêu cầu tất cả đảng viên phải "… lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của Nhân dân"7, "việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng… Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết"8.

+ Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải nêu gương trước quần chúng về mọi mặt. Theo Người, trong mọi phong trào, mọi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên đều phải tiên phong, gương mẫu làm trước, tiến trước để quần chúng noi theo. Sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò rất to lớn để biến đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực. Người nhấn mạnh:"Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở đều phải gương mẫu”.
+ Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức phải kính trọng dân. Người luôn nhắc nhở đảng viên phải kính yêu Nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, tuyệt đối không được có thái độ "vác mặt làm quan cách mạng", không được hách dịch, nhũng nhiễu Nhân dân. Nói chuyện với cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tây, Người nhấn mạnh: "Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho Nhân dân… Lãnh đạo là làm đầy tớ Nhân dân và phải làm cho tốt"10.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế của cơ quan:
Vận dung đối với cơ quan:
- Trung thực và trách nhiệm được thể hiện cao nhất là của người đứng đầu, tiếp đến trung thực trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan và cán bộ, đảng viên, công chức.
- Trước hết muốn nâng cao tính trung thực và trách nhiệm mọi Đảng viên, cán bộ công chức phải nắm rõ các chủ chương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; Phải học tập nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, trao dồi đạo đức với mục tiêu là phục vụ đối tượng đến quan hệ, giao dịch trong công việc với phương châm thực hiện dịch vụ công. 
- Lãnh đạo cơ quan tạo mọi điều kiện để cán bộ được học tập, nâng cao nghiệp vụ và lý luận chính trị cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho công tác.
- Cán bộ, Đảng viên phải luôn học tập, nghiên cứu trao dồi kiến thức, học tập qua sách vở, học tập qua đồng nghiệp …nắm vững các quy định pháp luật để thực thi nhiệm vụ, thực hiện tốt chức trách của mình. Khi xử lý công việc phải công tâm không quan liêu.
- Để hoàn thành công việc chung của cơ quan, trong xử lý công việc có liên quan đến nhiều Phòng, Ban phải phối hợp cùng giúp đở lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
- Nâng cao tính trung thực và tự chịu trách nhiệm khi thực thi công vụ, sai phải biết sửa, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp để cùng tiến bộ.
- Lắng nghe góp ý của các tổ chức cá nhân để kịp thời sửa chữa sai sót, hạn chế trong xử lý công việc.
- Xây dựng và lập kế hoạch hành động của cơ quan trong từng quý và năm.
- Rút ngắn thời gian xử lý công việc theo tiêu chuẩn ISO mà Sở đang áp dụng, tận tụy với công việc, không quan liêu, không lãng phí thời gian trong thực thi công vụ.
Vận dung đối với Tổ 3 :
Với chức năng nhiệm vụ là quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý tài sản của nhà nước và quản lý về giá đã được cụ thể hóa thành các thủ tục hành chính. 
- Quá trình đề xuất xử lý vốn và tài sản của các công ty TNHH Một thành viên do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu vượt quá thẩm quyền của doanh nghiệp.
- Thẩm định và trình phê duyệt việc trích lập và sử dụng các quỹ của Công ty TNHH Một thành viên do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu
- Tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp của các Công ty TNHH một thành viên do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu.
- Thẩm định giao chỉ tiêu đánh giá để làm căn cứ đánh giá và xếp loại doanh nghiệp hằng năm cho các Công ty TNHH MTV do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu.
- Quản lý tài sản Nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp, các tổ chức hội, tổ chức bán công; tham gia hướng dẫn công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất, góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất...
- Quản lý giá cả ở địa phương theo quy định của Bộ Tài chính. Thẩm định các phương án giá do các Sở, UBND các huyện, thị xã hoặc doanh nghiệp Nhà nước xây dựng. Triển khai thực hiện các chính sách chế độ về giá của Trung ương áp dụng tại địa phương. Phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh. Xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về giá của Nhà nước. 
Trên cơ sở, chức năng nhiệm vụ được giao được cụ thể hóa bằng các thủ tục hành chính và Quy trình nghiệp vụ ISO, cán bộ và Đảng viên tổ 3 luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm bằng những việc làm cụ thể trong thực thi công vụ , rút ngắn thời gian xử lý công việc tạo mọi điều kiện cũng như hướng dẫn với phương châm là thực hiện dịch vụ công.

Số lượt xem:863

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Ra mắt Đoàn viên mới (15-4-2016)
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2025914 Tổng số người truy cập: 4392 Số người online:
TNC Phát triển: