banner
Thứ 5, ngày 2 tháng 1 năm 2025
Báo cáo tài chính nhà nước: Bước tiến mới trong quản lý, điều hành tài chính của Chính phủ
19-9-2016

 Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Kế toán 2015 (được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015) và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng dự thảo và đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN).

Thực trạng thông tin tài chính nhà nước hiện nay

Các thông tin tài chính nhà nước hiện nay cơ bản đã được theo dõi, thể hiện từng phần hoặc khá chi tiết trên báo cáo tài chính của các đơn vị, theo quy định của chế độ kế toán áp dụng cho từng đơn vị cụ thể. Tuy nhiên, do đặc thù của yêu cầu quản lý, đặc điểm của hệ thống kế toán mà những thông tin đó còn khá rải rác, phân tán.

Vẫn còn một số đối tượng kế toán mới chỉ được theo dõi chủ yếu dưới hình thức thống kê mà chưa được hạch toán kế toán một cách đầy đủ (các khoản công nợ, tài sản nhà nước, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, các khoản nợ của Chính phủ, các công trình cơ sở hạ tầng). Bên cạnh đó, các thông tin này cũng chưa được tổng hợp một cách đầy đủ và bài bản theo đúng yêu cầu của quản lý tài chính nhà nước.

Về khía cạnh thông tin tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc từng địa phương, hiện nay chưa có quy định để tổ chức và triển khai hệ thống báo cáo chung của Chính phủ, chính quyền địa phương về tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn hình thành tài sản và nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu, chi và kết quả hoạt động tài chính, NSNN; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính, NSNN... vì vậy việc đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương, đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách vẫn còn một số hạn chế.

Nội dung cơ bản dự thảo Nghị định của Chính phủ về BCTCNN

Nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình tài chính nhà nước trên toàn quốc hoặc tại từng địa phương, giúp cho tất cả cơ quan, tổ chức và công dân có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực tài chính và kết quả hoạt động của quốc gia hoặc đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong từng năm tài chính; căn cứ quy định của Luật Kế toán 2015 và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về BCTCNN, một căn cứ pháp lý rất quan trọng về việc lập BCTCNN của Việt Nam.

Mục tiêu của BCTCNN là cung cấp thông tin về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương, bao gồm: tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước làm căn cứ để đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương, đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách. Trên cơ sở đó, việc lập BCTCNN sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương. BCTCNN toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc, BCTCNN cấp tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các mẫu biểu BCTCNN được xây dựng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, bao quát được toàn bộ các đối tượng kế toán nhà nước hiện có hoặc có thể phát sinh trong tương lai; đảm bảo tính lâu dài, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính nhà nước ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Trên cơ sở đó, căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam, cùng với việc nghiên cứu chuẩn mực kế toán công quốc tế và chọn lọc vận dụng kinh nghiệm của một số nước, các biểu mẫu báo cáo tài chính nhà nước của Việt Nam gồm có:

Báo cáo tình hình tài chính nhà nước: là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh toàn bộ thông tin về tài sản nhà nước; nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước: là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tình hình thu nhập, chi phí và chênh lệch giữa thu nhập và chi phí của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố trong kỳ báo cáo.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tình hình lưu chuyển tiền tệ, bao gồm các luồng tiền thu vào, các luồng tiền chi ra từ các hoạt động thường xuyên, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh trong kỳ báo cáo; số dư tiền và tương đương tiền của nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước: được lập để giải thích và bổ sung thông tin về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước trong kỳ báo cáo mà các báo cáo tài chính nhà nước khác không thể trình bày chi tiết. Thuyết minh báo cáo tài chính phản ánh các thông tin chung về tình hình kinh tế, xã hội; thông tin chung về cơ sở, chính sách kế toán áp dụng; thông tin bổ sung, chi tiết về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước.

Trách nhiệm của các đơn vị trong việc xây dựng BCTCNN

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, lập BCTCNN toàn quốc trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội. KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, lập BCTCNN tỉnh, thành phố trình UBND báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp; gửi số liệu về KBNN để tổng hợp lập BCTCNN toàn quốc. Việc tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện trên cơ sở hợp nhất thông tin trên báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước.

Sau khi báo cáo Quốc hội, Hội đồng nhân dân, thông tin về tình hình tài chính nhà nước sẽ được công khai theo quy định của Chính phủ (đối với BCTCNN toàn quốc), hoặc quy định của UBND tỉnh (đối với BCTCNN tỉnh). Theo đó các thông tin chủ yếu sẽ được công khai bao gồm: tình hình tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước...

Với thời gian dự kiến đưa vào triển khai thực hiện, áp dụng các quy định về việc bắt đầu tổ chức lập, công khai BCTCNN của năm tài chính 2018, bức tranh về tình hình tài chính nhà nước của Việt Nam lần đầu tiên sẽ được báo cáo trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức trong xã hội một cách công khai, minh bạch, thể hiện một bước tiến mới trong quản lý, điều hành tài chính của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, phù hợp với chuẩn mực kế toán công và thông lệ quốc tế./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

Số lượt xem:710

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1988868 Tổng số người truy cập: 4234 Số người online:
TNC Phát triển: