banner
Thứ 5, ngày 26 tháng 12 năm 2024
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019
18-7-2019

 .

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\10. Tran Thi Phuong Lan\Thang 7\12-7 Hoi nghi\a TT Tuan bao cao (1).jpg

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn báo cáo công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2019. Ảnh: H.Thọ

Thu NSTW và NSĐP đạt khá

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại Hội nghị về công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, đến hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: thu nội địa đạt 51,1% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 47,6%), tăng 13,6%; thu dầu thô đạt 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2018.

Cả thu NSTW và NSĐP đều đạt khá; trong đó, thu NSTW đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu NSĐP đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Có được kết quả trên, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế, giao chỉ tiêu phấn đấu thu, chỉ tiêu xử lý nợ đọng thuế, trên cơ sở yêu cầu các cơ quan Thuế, Hải quan phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Về chi NSNN, 6 tháng đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán; yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm, NSTW đã sử dụng dự phòng khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng, để hỗ trợ một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ và phòng chống dịch, dập dịch tả lợn Châu Phi; đã xuất cấp 59,1 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân và học sinh vùng khó khăn.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm 2018 (đạt 33,9%). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã định kỳ báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019; đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong 6 tháng cuối năm; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới.

Cân đối NSNN 6 tháng đầu năm được đảm bảo; đã phát hành 112,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của NSTW theo dự toán (trong đó đã trả nợ gốc tiền vay là 104 nghìn tỷ đồng) và nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (7 nghìn tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,46 năm, lãi suất bình quân 4,86%/năm.

Đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN và thị trường tài chính

Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương sơ kết tình hình thực hiện 3 năm 2016-2018; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm giai đoạn 2019 - 2021, kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2019.

Trong điều hành đã giảm bội chi NSNN thấp hơn mức Quốc hội quyết định cả về số tuyệt đối và số tương đối; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, nhờ vậy đã giảm tỷ lệ nợ công từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 58,4% GDP năm 2018. Đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững hơn, giảm rủi ro về lãi suất, kỳ hạn, tỷ giá; đa dạng hơn các nhà đầu tư,... góp phần ổn định vĩ mô, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tái cấu trúc thị trường tài chính trong đó có Thị trường Chứng khoán, Thị trường bảo hiểm được đặc biệt chú trọng.

Đối với thị trường chứng khoán: Đã trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật chứng khoán (sửa đổi); trình Chính phủ Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán; nghiên cứu phát triển các sản phẩm phái sinh mới; áp dụng các giải pháp phát triển thị trường, đa dạng hóa các nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường và phấn đấu nâng hạng thị trường. Đến cuối tháng 6/2019, quy mô thị trường chứng khoán tăng 6,4% so với cuối năm 2018 và đạt tỷ lệ khoảng 79% GDP.

Đối với thị trường bảo hiểm: Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; đồng thời xây dựng dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bảo trợ nông nghiệp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 23%, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tăng 20,4%, vốn đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 22,5% so cùng kỳ năm 2018.

Về đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn về chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng một số loại phí, lệ phí; triển khai xây dựng nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập chung cho tất cả các lĩnh vực, thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối kết hợp với tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 63 phòng thuộc các Cục thuế; hợp nhất các Chi cục thuế huyện thành Chi cục thuế khu vực của 25 Cục thuế, giảm được 84 Chi cục thuế và 436 đội thuộc các Chi cục thuế.

Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động của Bộ, trong đó đề ra các nhiệm vụ, sản phẩm đầu ra cụ thể và phân công cho từng cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã bãi bỏ 22 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 15 thủ tục, ban hành mới 15 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, công sản, ngân hàng, bảo hiểm; đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý theo kế hoạch và dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thêm 24 điều kiện.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với 31 bộ, cơ quan trung ương và 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Triển khai trực tuyến 985 thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính. Đã có 99,98% số doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng; 99% số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 94,73% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử. Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan; đã có 13/14 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, với 173 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế này. Những nỗ lực này đã góp phần đưa Bộ Tài chính liên tục trong nhiều năm trong nhóm đứng đầu các cơ quan của Chính phủ trong triển khai công nghệ thông tin.

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\10. Tran Thi Phuong Lan\Thang 7\12-7 Hoi nghi\a Toan canh (1).jpg

Quang cảnh Hội nghị Sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019. Ảnh: H.Thọ

Tiếp tục tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra; điều hành quyết liệt thu, chi, đảm bảo giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Nhà nước giao, những tháng còn lại của năm 2019, Bộ Tài chính tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, nhất là trong các lĩnh vực thuế, tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hóa, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp;

Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2019; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định;

Thứ ba, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách;

Thứ tư, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương;

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính;

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII);

Thứ bảy, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công;

Thứ tám, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư XDCB, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,...; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán;

Thứ chín, chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế;

Thứ mười, Chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2020, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2020-2022 sát thực tiễn, khả thi.

 

Số lượt xem:767

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1981553 Tổng số người truy cập: 202 Số người online:
TNC Phát triển: