banner
Thứ 2, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Cần thiết phải sửa Luật để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công
19-9-2016

 Thay mặt Chính phủ báo cáo về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị đổi tên dự án thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) cho phù hợp với quy định tại Hiến pháp 2013. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Tài sản công tại Việt Nam có phạm vi, quy mô rất lớn; là cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và là nguồn lực quan trọng, bền vững có thể khai thác để phát triển kinh tế - xã hội.

Việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng TSC hiện nay là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác TSC hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới về khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đồng thời thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan, tác động trực tiếp tới quản lý, sử dụng TSC .

Dự án Luật này cũng xây dựng những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng TSC; kế thừa những nội dung, quy định hiện hành còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng nắm chắc, hạch toán đầy đủ tài sản công cả về giá trị và hiện vật; coi TSC là nguồn lực quan trọng; quy định các cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả,…

Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng như góp ý của UBTVQH đều cơ bản nhất trí với sự cần thiết của dự án Luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian qua.

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, một số ý kiến cho rằng, trong thực tế có nhiều loại tài sản công không hoặc chưa xác định được giá trị, sẽ không thể hạch toán kế toán đầy đủ theo yêu cầu của Luật. Do đó, đề nghị Chính phủ phân định rõ: Đối với các tài sản có thể xác định được giá trị thì phải hạch toán, kế toán theo đúng quy định; đối với các loại tài sản công không hoặc chưa xác định được giá trị thì phải kiểm kê, thống kê hiện vật và ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất đặc điểm của các loại tài sản đó.

Tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao cơ quan soạn thảo rà soát lại phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật; rà soát khái niệm tài sản công; rà soát các nội dung điều khoản để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật,...và hoàn thiện hồ sơ gửi đại biểu Quốc hội trước 1-10-2016.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

Số lượt xem:435

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1918891 Tổng số người truy cập: 1626 Số người online:
TNC Phát triển: