banner
Thứ 3, ngày 31 tháng 12 năm 2024
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA)
13-10-2016

 Hiệp định VN-EAEU FTA được chính thức khởi động vào ngày 28/3/2013, trải qua 8 phiên đàm phán chính thức và các phiên đàm phán giữa kỳ. Kết thúc phiên đàm phán thứ 8, ngày 15/12/2014, Việt Nam và LMKTAA đã ký tuyên bố kết thúc cơ bản đàm phán. Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng Bên. Ngày 29/5/2015, Hiệp định đã được ký tại Cộng hòa Ca-dắc-xtan, bao gồm 15 Chương, 216 Điều và 12 Phụ lục. Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thuận lợi hóa hải quan, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Pháp lý và thể chế, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại điện tử, và Cạnh tranh.

Về quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều trung bình của Việt Nam và các nước thành viên LMKTAA đạt khoảng hơn 3 tỷ USD/năm. Đối với Việt Nam, LMKTAA đóng vai trò khá khiêm tốn trong xuất khẩu (chiếm khoảng 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới), trong đó chủ yếu là kim ngạch thương mại với Liên bang Nga, với các nước thành viên còn lại hầu như không đáng kể.

LMKTAA, đặc biệt là đối tác Nga được đánh giá là đối tác có tiềm năng của Việt Nam. Việc trở thành đối tác FTA đầu tiên của LMKTAA sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với một thị trường hàng hoá rộng lớn thông qua việc giảm hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng hiện đang có mức thuế suất MFN cao, giúp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các nước có tiềm năng cạnh tranh trong khu vực.

Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của hai bên là bổ sung cho nhau nên sẽ dẫn đến những tác động tích cực khi thực hiện một FTA do không gian để tăng trưởng thương mại lớn đối với các mặt hàng hiện tại (chịu mức thuế suất cao) cũng như các mặt hàng tiềm năng chưa thâm nhập được thị trường LMKTAA. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ LMKTAA gồm: quặng, dầu mỏ, phân bón, cao su, sắt thép, máy móc, thuỷ sản, thực phẩm, giấy, bột giấy. Trong khi các mặt hàng LMKTAA nhập khẩu chính từ Việt Nam gồm hoa quả, gạo, ngũ cốc, thực phẩm, rau quả chế biến, polyme, song mây, dệt may, giày dép, máy móc và đồ nội thất.

Cam kết liên quan đến thương mại hàng hóa gồm phần lời văn Chương Thương mại hàng hóa và biểu lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam và LMKTAA.

Nội dung lời văn của Chương gồm một số điều khoản chính như: Đối xử Tối huệ quốc, Đối xử quốc gia, Cắt giảm/xóa bỏ thuế quan, Các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu, Trợ cấp, Giấy phép nhập khẩu, Biện pháp tự vệ theo ngưỡng, Doanh nghiệp nhà nước,… Các nội dung này cơ bản không vượt quá cam kết của Việt Nam trong WTO.

Về tổng thể của biểu lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, Việt Nam và LMKTAA sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Danh mục cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam gồm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, cam kết theo hạn ngạch, và không cam kết. Mức thuế suất cơ sở được xác định tại thời điểm tháng 8/2013.

Hình 1: Danh mục cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam

image

(Nguồn: Vụ HTQT – Bộ Tài chính)

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 87,7% tổng số dòng thuế (tương đương với 94,4% kim ngạch nhập khẩu từ LMKTAA), trong đó xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu cho LMKTAA ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 53% tổng số dòng thuế, chiếm 62,4% kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may và da giầy, quần áo, giày dép, hóa chất và sản phẩm hóa chất, dược phẩm, gỗ, giấy, chất dẻo nguyên liệu, hàng thủy sản, chè, cà phê, thịt bò… Các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi cam kết mở cửa với lộ trình 5 năm đối với thịt gà, thịt lợn; 3-5 năm đối với thịt, cá chế biến. Đối với sắt thép, lộ trình cắt giảm thuế tối đa là 10 năm (dự kiến xóa bỏ thuế nhập khẩu muộn nhất vào năm 2026). Máy móc thiết bị có lộ trình 5-7 năm; máy móc thiết bị điện, máy dùng trong nông nghiệp có lộ trình 3 năm; ô tô và rượu có lộ trình 10 năm.

Ngoài các mặt hàng cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình như trên, một số mặt hàng Việt Nam cam kết theo hạn ngạch thuế quan gồm trứng và lá thuốc lá.

Bảng 1: Cam kết theo hạn ngạch thuế quan của Việt Nam

Mặt hàng

Trứng gia cầm

Lá thuốc lá

chưa chế biến

Lượng hạn ngạch ban đầu

8.000 tá

500 tấn

Tăng trưởng hạn ngạch

5%/năm

Không tăng

Thuế suất trong hạn ngạch

Cắt giảm đều

về 0%-2018

0% - 2020

Thuế suất ngoài hạn ngạch

Theo quy định

hiện hành

Theo quy định

hiện hành

Còn lại là các mặt hàng không cam kết, chiếm 12% tổng số dòng thuế của Việt Nam, gồm: một số mặt hàng an ninh quốc phòng, rác thải, quần áo cũ, một số loại rượu mạnh, rượu vang, nhiều loại ô tô nguyên chiếc và ô tô thiết kế đặc biệt, một số loại phụ tùng ô tô-xe máy-xe đạp, máy vi tính và sản phẩm điện tử, đường, phân bón,…

Danh mục cam kết về thuế nhập khẩu của LMKTAA gồm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, cam kết theo hạn ngạch, cam kết cắt giảm một phần thuế nhập khẩu, và không cam kết.

Hình 2: Danh mục cam kết về thuế nhập khẩu của LMKTAA

image

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Hình 3: Mức độ cam kết của LMKTAA tính theo số dòng thuế

image

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Nhóm cam kết mở cửa thị trường chiếm 87,4% số dòng thuế (95,7% kim ngạch xuất khẩu), trong đó, LMKTAA cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 60% số dòng thuế (chiếm 91% kim ngạch xuất khẩu) đối với các nhóm hàng như: gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hóa chất và sản phẩm hóa chất, máy móc, thiết bị, sản phẩm và linh kiện điện tử, sắt thép các loại, thủy sản, nguyên phụ liệu dệt may, da giày,…

- Nhóm mở cửa thị trường từng phần (trong đó có nhóm T) chiếm 2,7% số dòng thuế, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như: dệt may, da giày, đồ nội thất,…

- Nhóm không cam kết mở cửa thị trường chiếm 11,3% tổng số dòng thuế.

Qua đó có thể thấy rằng, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai Bên hầu như không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung cho nhau. Kim ngạch của một số mặt hàng như đồ gỗ, nông sản, một số sản phẩm nhựa, cao su của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga hiện nay chưa nhiều, một phần do phía bạn còn tiến hành bảo hộ sản xuất trong nước, nhưng sau khi Hiệp định có hiệu lực, dự kiến đây sẽ là những mặt hàng ta không sợ cạnh tranh từ Nga. Việc LMKTAA xoá bỏ thuế ngay đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn sang LMKTAA của Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đồng thời góp phần tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường LMKTAA trong thời gian tới.

Theo đánh giá bước đầu của LMKTAA, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai Bên sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 con số này đã là hơn 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang LMKTAA sẽ tăng khoảng 18 – 20% hàng năm.

Về quy tắc xuất xứ, tiêu chí xác định xuất xứ theo Hiệp định là hàng hóa phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau: có xuất xứ 100% hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Bên; được sản xuất toàn bộ tại một hoặc hai Bên, từ những nguyên vật liệu có xuất xứ từ một hoặc hai Bên; hoặc được sản xuất tại một Bên, sử dụng nguyên vật liệu không có xuất xứ và đáp ứng các yêu cầu về quy tắc mặt hàng cụ thể tại Phụ lục của Hiệp định. Phụ lục về xuất xứ cụ thể mặt hàng (PSR) có yêu cầu về xuất xứ như trong các FTA hiện tại, được liệt kê cho từng dòng thuế của biểu thuế nhập khẩu nhằm thuận lợi hóa quá trình tra cứu và áp dụng quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Ngoài ra, để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo Hiệp định, các lô hàng phải được vận chuyển trực tiếp từ một Bên sang Bên còn lại; hoặc chỉ được phép quá cảnh nhưng không được chia nhỏ lô hàng khi đi qua một nước thứ 3.

Đối với quy tắc mặt hàng cụ thể, Việt Nam đã đạt được quy tắc xuất xứ linh hoạt đối với đa số các mặt hàng trong nước có thế mạnh xuất khẩu, như: quy tắc xuất xứ một công đoạn cho sản phẩm dệt may; nguyên liệu chế biến của các sản phẩm nông nghiệp phải là nguyên liệu nội khối (ví dụ nguyên liệu phục vụ chế biến cá ngừ, tôm và một số loại thủy sản đóng hộp khác phải đáp ứng hàm lượng nội địa 40%); mặt hàng chè cũng đạt được quy tắc nới lỏng hơn so với các FTA đang thực hiện khi cho phép nhập khẩu chè để phối trộn tạo hương vị phù hợp với thị trường xuất khẩu nhưng phải đáp ứng tỉ lệ nội khối 40%.

Ngoài việc tuân thủ các quy định có liên quan trong WTO, cam kết chính về phòng vệ thương mại của Hiệp định này gồm:

- Trường hợp Việt Nam tiến hành điều tra và áp dụng các biện pháp đối kháng hoặc các biện pháp chống bán phá giá, các thành viên của LMKTAA phải được điều tra riêng rẽ chứ không phải với tư cách cả Liên minh, trừ khi Việt Nam xác định được rằng có tồn tại các chương trình trợ cấp được quy định tại Điều XVI của GATT và Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) nếu điều tra và áp dụng biện pháp đối kháng, hoặc trừ khi các Bên có thỏa thuận khác nếu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Về các biện pháp tự vệ song phương: Trường hợp việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết của Hiệp định đối với bất kỳ hàng hóa có xuất xứ từ một Bên được nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên còn lại dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp của Bên nhập khẩu, Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong giai đoạn chuyển đổi đối với hàng hóa đó với mức độ cần thiết nhằm khắc phục hoặc ngăn chặn thiệt hại theo quy định cụ thể tại Chương Phòng vệ thương mại của Hiệp định.

Trên cơ sở cam kết về lĩnh vực đầu tư của Hiệp định, Việt Nam sẽ có thêm khả năng thu hút đầu tư trong những lĩnh vực mà LMKTAA có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất năng lượng, chế tạo máy,… Đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Nghị định thư về hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam với Liên bang Nga và Cộng hòa Bê-la-rút trên cơ sở vận dụng điều khoản về dự án đầu tư ưu tiên của Hiệp định này cũng đã có hiệu lực kể từ ngày 05/10/2016, các công ty của Nga và Bê-la-rút đang gấp rút triển khai thành lập liên doanh tại Việt Nam và sớm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để liên doanh sau khi thành lập được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch theo quy định của các Nghị định thư. Từ đó, góp phần phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước nhờ chuyển giao công nghệ, trao đổi kiến thức trong các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật. Bên cạnh đó, thông qua Hiệp định, Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước thành viên LMKTAA.

Như vậy, việc triển khai cam kết của Hiệp định VN-EAEU FTA, xét trên nhiều lĩnh vực, đều sẽ mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hiệp định được thực thi sẽ giúp mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, và đặc biệt góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

 

Số lượt xem:470

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1986635 Tổng số người truy cập: 114 Số người online:
TNC Phát triển: