Tại buổi họp, ông Phạm Văn Trường cho biết, nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Điểm mới của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đó là tạo ra sự tự chủ về thực hiện nhiệm vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về tài chính, nhân sự... Đơn vị được quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham dự đấu thầu các hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền giao; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật...
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN như sau:
Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN: Đơn vị sự nghiệp được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường;
Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN: Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá; đồng thời quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân như sau: Đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện vươn lên nhanh hơn, Nghị định 16 quy định, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.
Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp - Phạm Văn Trường tại buổi họp báo
Điểm mới trong Nghị định 141/2016/NĐ-CP đó là về phạm vi điều chỉnh: Nghị định số 141 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác. Nghị định này không điều chỉnh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hóa thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ.
Đối với nội dung tự chủ về nhân sự, Nghị định 141 quy định về xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức như sau: Đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; Đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do NSNN bảo đảm chi thường xuyên xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Trường cho biết, mục tiêu lớn nhất của việc thực hiện tự chủ là cơ cấu lại NSNN. Khi các đơn vị tự chủ theo lộ trình từ nay đến 2020, phần hỗ trợ trực tiếp từ NS hỗ trợ cho các đơn vị sẽ được cơ cấu lại thì hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn. Do đó, tổng chi ngân sách cho các lĩnh vực sẽ không giảm mà sẽ được cơ cấu lại. Thay vì chi cho đơn vị sự nghiệp công, sẽ chuyển sang đối tượng thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công như người nghèo, vùng sâu vùng xa. Ví dụ như trong lĩnh vực y tế: chi cho lĩnh vực y tế sẽ chuyển sang hỗ trợ mua BHYT cho các đối tượng thụ hưởng bảo hiểm y tế. Điều đó sẽ có tác động tích cực nhiều chiều, vừa thúc đẩy nhanh quá trình mở rộng đối tượng tham gia BHYT vừa tăng diện bao phủ BHYT.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngân sách sẽ góp phần để thực hiện cải cách tiền lương, trong đó cải cách đối với các đơn vị vẫn còn được Nhà nước hỗ trợ; tăng chi cho các chương trình y tế dự phòng, các lĩnh vực giáo dục đào tạo, là những mục tiêu trọng điểm, cấp bách mà Nhà nước đầu tư.
Cũng theo ông Phạm Văn Trường, theo thống kê cho thấy, hoạt động của đơn vị sự nghiệp từ khi Nghị định 43/2006/NĐ-CP được đưa vào thực hiện, có thể thấy rõ chất lượng dịch vụ tăng lên, thu nhập bình quân của người lao động tại các đơn vị sự nghiệp tăng 0,5-1,5 lần so với trước đây.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.