banner
Thứ 6, ngày 17 tháng 5 năm 2024
Hội nghị các Bộ, ngành, địa phương với WB về giải ngân nguồn vốn vay năm 2020
30-10-2020

 

 

Tại điểm cầu Kon Tum (Trụ sở Kho bạc nhà nước tỉnh), Lãnh đạo Sở Tài chính cùng với đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành: Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh; các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay WB năm 2020: Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Vnsat) và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tham dự Hội nghị trực tuyến theo yêu cầu của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

 

(Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum)


Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính; Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank); đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Giáo dục đào tạo, Nông nghiệp nông thôn, Tài nguyên môi trương và 07 tỉnh, thành phố báo cáo tham luận tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay WB trong 9 tháng đầu năm 2020. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết 9 tháng đầu năm giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài cua năm 2020 đạt trên 28% so với tổng dự toán được Chính phủ giao; con số này cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng so với tổng mức giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vẫn còn thấp và chậm so với dự toán giao. Theo đại diện các Bộ, ngành, địa phương nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân nguồn vốn vay này còn thấp là do những vướng mắc về phái dự án, cụ thể: một số dự án phải điều chỉnh; gia hạn dẫn đến phải sửa đổi hiệp định vay; thiết kế dự án không phù hợp; khó triển khai; chậm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư: chậm duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, tổng dự toán; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật chậm, công tác bồi thường tái định cư gặp khó khăn; năng lực nhà thầu hạn chế; dư vốn nhiều, phải đề xuất hủy vốn dư hoặc đề xuất mở rộng dự án để sử dụng vốn dư; việc gửi hồ sơ thẩm định, góp ý, ký hợp đồng vay lại còn chậm.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, các ý kiến tham luận đã giúp World Bank hiểu thêm và nắm bắt thông tin được đầy đủ hơn về tình hình triển khai các dự án của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời đã giải đáp một số kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương và cho biết: “Khi cung cấp nguồn vốn cho Chính phủ Việt Nam, chúng tôi có quy trình thủ tục riêng, Chính phủ Việt Nam cũng vậy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi có 2 hệ thống thì chắc chắn sẽ có vướng mắc, chậm trễ. Do vậy, chúng ta phải ngồi lại với nhau để bàn thảo tháo gỡ. World Bank sẽ nỗ lực hết sức tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tránh kéo dài gây ảnh hưởng tới quá trình triển khai và giải ngân của các dự án do World Bank hỗ trợ”.
Trước những khó khăn, vướng mắc đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn vay World Bank nói riêng và vốn vay nước ngoài của Chính phủ nói chung. Theo đó, đối với các cơ quan chủ quản cần tập trung thúc đẩy việc hoàn tất các nhiệm vụ đầu tư của năm 2020: khẩn trương hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án; đẩy nhanh việc lập hồ sơ thanh toán, gửi KBNN để xác nhận khối lượng hoàn thành và thực hiện thanh toán từ các tài khoản đặc biệt hoặc thanh toán trực tiếp, khẩn trương báo cáo chi tiêu để hoàn ứng, giảm vốn nhàn rỗi không sử dụng. Các địa phương cũng đề nghị các Bộ chủ quản các dự án ODA đẩy nhanh góp ý cho các địa phương các vấn đề báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế ...
Kiến nghị đối với World Bank, tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương bày tỏ mong muốn World Bank sẽ cải tiến khâu thiết kế dự án, đàm phán, ký kết hiệp định như: loại bỏ phương thức dự án ODA để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam; bám sát quy định của phía Việt Nam để tránh vướng mắc trong khâu thực hiện; thẩm định kỹ để số vốn cam kết sát với nhu cầu sử dụng, sát với đơn giá, định mức của phía Việt Nam, tránh việc dự án phải trả vốn, hủy vốn, tỷ lệ giải ngân/vốn cam kết thấp; rà soát mô hình giải ngân dựa trên kết quả để có mô hình phù hợp, quản lý vốn vay hiệu quả; nghiên cứu tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp; đẩy nhanh thời gian phê duyệt các vấn đề cần xin ý kiến, nghiên cứu nâng cao hiệu quả phương thức thanh toán tài khoản đặc biệt và áp dụng phương thức thanh toán trực tiếp để giảm chi phí vay…

 

 

 

Để thúc đẩy giải ngân, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng dự án, trao đổi với các đối tác phát triển để có các quy định phù hợp và đơn giản hóa trong các hiệp định vay, đẩy nhanh công tác thực hiện dự án và giải ngân. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác xử lý đơn rút vốn, ký kết hợp đồng cho vay lại, đối chiếu cho vay, thu nợ; nghiên cứu xây dựng dự án trang bị phần mềm để xử lý đơn rút vốn điện tử, nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho công tác giải ngân, đồng thời đảm bảo quản lý an toàn nguồn vốn vay của ngân sách nhà nước./.


NTTH-TCĐT

 

Số lượt xem:1332

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1494176 Tổng số người truy cập: 17 Số người online:
TNC Phát triển: